Thế nào là tội phạm?

Khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về khái niệm tội phạm như sau:“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Từ khái niệm tội phạm thể hiện những đặc trưng cơ bản sau:
- Tính nguy hiểm cho xã hội. Đây là đặc điểm cơ bản nhất, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm. Một hành vi nào đó sở dĩ bị quy định trong luật hình sự là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự vì nó có tính nguy hiểm cho xã hội. Nguy hiểm cho xã hội về khách quan có nghĩa là gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Nguy hiểm cho xã hội với nội dung đầy đủ còn có nghĩa người có hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội phải có lỗi.
- Tính có lỗi: Lỗi là thái độ chủ quan của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Người bị coi là có lỗi khi người đó thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nếu hành vi ấy là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi có đủ điều kiện quyết định thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi xã hội.
- Tính trái pháp luật hình sự. Điều 8 Bộ luật Hình sự đã chỉ ra rằng hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ có thể bị coi là tội phạm nếu “…được quy định trong bộ luật Hình sự…”. Như vậy, tính được quy định trong luật hình sự hay tính trái pháp luật hình sự là dấu hiệu đòi hỏi phải có ở hành vi bị coi là tội phạm.
- Tính phải chịu hình phạt, đây là dấu hiệu của tội phạm nhưng không phải là thuộc tính bên trong của tội phạm. Hành vi bị coi là tội phạm vì về nội dung, có tính nguy hiểm cho xã hội và về hình thức, có tính trái pháp luật hình sự chứ không phải vì nó có tính chịu hình phạt. Tính chịu hình phạt được coi là dấu hiệu của tội phạm vì nó được xác định bởi chính những thuộc tính khách quan bên trong của tội phạm. Chỉ có hành vi phạm tội mới phải chịu biện pháp trách nhiệm là hình phạt: không có tội phạm thì cũng không có hình phạt.

Như vậy một hành vi được xem là tội phạm khi có đầy đủ các yếu tố sau: hành vi đó phải được quy định (có thể mô tả hành vi) trong bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi đó xâm phạm đến khách thể được pháp luật bảo vệ, lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội có thể là lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp) hoặc vô ý (vô ý do cẩu thả hoặc vô ý do quá tự tin).

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
-Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù.
-Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù.
-Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù.
-Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác, như biện pháp hành chính.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].