Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015

Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng là hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc gây hậu quả...

Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định cụ thể tại điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là "Bộ luật Hình sự"). Theo đó, người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tùy theo mức độ, hậu quả gây ra.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lý của tội vi phạm chế độ một vợ một chồng

Bộ luật Hình sự năm quy định về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng như sau:

"1- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: (a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; (b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; (b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó" (Điều 182).

Các yếu tố cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

(i) Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định trong Bộ luật hình sự. Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng.
Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tuy phải là chủ thể đặc biệt nhưng có một đặc điểm khác với chủ thể của các tội phạm khác ở chỗ: người phạm tội hoặc người phạm tội cùng phải là người đang có vợ hoặc có chồng.

(ii) Mặt khách quan của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

- Người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có thể có một trong các hành vi sau: (i) Đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; (ii) Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn (kể cả hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận) và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân.

Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; người sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 và đang chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Hôn nhân thực tế là hôn nhân là hôn nhân có đủ điều kiện kết hôn về nội dung, chỉ vi phạm điều kiện về hình thức là không có đăng ký kết hôn. các điều kiện về nội dung là: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; việc chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên chấp nhận); việc chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Hành vi sống chung như vợ chồng với người khác là hành vi của nam và nữ không có đăng ký kết hôn nhưng về sống chung với nhau như vợ chồng, có thể có tổ chức lễ cưới hoặc không tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán; gia đình có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; họ sống với nhau như vợ chồng một cách công khai, mọi người xung quanh đều biết và cho rằng họ là vợ chồng. Sẽ không phải là sống chung với nhau như vợ chồng nếu như nam và nữ lén lút quan hệ tình dục với nhau theo quan niệm mà xã hội cho là “ngoại tình”.

Kết hôn với người khác trái pháp luật là hành vi lừa dối các cơ quan Nhà nước để đăng ký kết hôn hoặc tổ chức đám cưới theo phong tục, tập quán; người phạm tội có thể lừa dối đối với người mà mình kết hôn như: nói dối là mình chưa có vợ, chưa có chồng hoặc tuy đã có vợ hoặc có chồng nhưng đã ly hôn hoặc đã chết làm cho người mà mình định kết hôn tin mà đồng ý kết hôn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cả hai người (nam và nữ) đều biết nhau đã có vợ hoặc có chồng nhưng vẫn cố tình lừa dối các cơ quan Nhà nước để được kết hôn trái pháp luật.

Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ là trường hợp người chưa có vợ, chưa có chồng biết rõ người khác đã có chồng, đã có vợ nhưng vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người này. Khi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đã có chồng hoặc có vợ, người phạm tội phải biết rõ người mà mình kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng là người đang có chồng hoặc có vợ. Nếu không biết rõ thì không phải hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Thông thường, trường hợp này người chưa có vợ, chưa có chồng (nhất là người chưa có chồng) bị người đang có vợ hoặc đang có chồng lừa dối nên mới kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người này.

- Hậu quả và mối quan hệ nhân quả:Hậu quả của tội phạm này là hậu quả nghiêm trọng, nếu hậu quả gây ra chưa nghiêm trọng mà người phạm tội cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.

(iii) Mặt chủ quan của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, thấy trước được hậu quả nghiêm trọng nhất định xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Đối với tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng người phạm tội thường bỏ mặc cho hậu quả nghiêm trọng xảy ra, miễn là được chung sống như vợ chồng với nhau.

(iv) Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chính là chế độ một vợ, một chồng, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật hôn nhân và gia đình quy định; bảo vệ chế độ một vợ, một chồng khỏi bị xâm hại cũng chính là giữ vững nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình.

Hình phạt của người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

(i) Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm khi người phạm tội đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.

(ii) Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198


Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng Chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail: [email protected].