Các dấu hiệu cấu thành tội cướp giật tài sản

Tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cướp giật tài sản, được hiểu là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác một cách nhanh chóng và bất ngờ rồi tẩu thoát để tránh sự phản kháng của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lý của tội cướp giật tài sản

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là "Bộ luật Hình sự") quy định về tội cướp giật tài sản như sau:

"1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; (đ) Hành hung để tẩu thoát; (e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; (g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; (h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; (c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; (c) Làm chết người; (d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng." (Điều 171 Bộ luật Hình sự).

Mọi vấn đề vướng mắc trong lĩnh vực hình sự đều có thể được giải đáp nhanh chóng, kịp thời bởi đội ngũ chuyên gia, luật sư uy tín. Tìm hiểu chi tiết tại: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự

Cấu thành tội phạm của tội cướp giật tài sản

1. Khách thể của tội cướp giật tài sản

Trong tội cướp giật tài sản khách thể trực tiếp bị xâm hại là quan hệ sở hữu về tài sản mà đối tượng tác động là những tài sản nhỏ, gọn, dễ mang đi do tính chất của hành vi là nhanh chóng chiếm đoạt tài sản.

2. Chủ thể của tội cướp giật tài sản

Chủ thể của tội cướp giật tài sản là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi nhất định thực hiện hành vi cướp giật tài sản. Như vậy đối với cướp giật tài sản chủ thể của tội phạm trước hết bao gồm những người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và những người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Mặt khách quan của tội cướp giật tài sản

Đối với tội cướp giật tài sản, dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm chính là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng.

Hành vi công khai có nghĩa là người phạm tội không có ý thức che giấu hành vi phạm tội của mình và khi thực hiện việc chiếm đoạt cho phép chủ tài sản biết ngay có hành vi chiếm đoạt xảy ra. Hành vi chiếm đoạt thông thường là: giật lấy, giằng lấy, đoạt lấy...

Chiếm đoạt nhanh chóng có nghĩa là người phạm tội đã có thủ đoạn lợi dụng sơ hở của chủ tài sản hoặc phạm tội chủ động tạo ra sơ hở rồi nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát.

4. Mặt chủ quan của tội cướp giật tài sản

Đối với tội cướp giật tài sản, mặt chủ quan của tội phạm gồm dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trong đó lỗi của người phạm tội cướp giật tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ của tội cướp giật tài sản được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách cố ý. Mục đích của tội cướp giật tài sản là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm cướp giật tài sản:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Bài viết thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].