Phân định thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp hình sự của Viện trưởng Viện kiểm sát

Viện trưởng Viện kiểm sát là người đứng đầu cơ quan kiểm sát, nhiệm vụ và quyền hạn Viện trưởng Viện kiểm sát được quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong số các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát được quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây thuộc thẩm quyền hành chính tư pháp: Tổ chức và chỉ đạo các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự; quyết định phân công Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự; kiểm tra các hoạt động thực hành quyền tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên; quyết định thay đổi Kiểm sát viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Bởi lẽ, các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên liên quan đến hoạt động tư pháp (hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với một vụ án cụ thể) mà không phải là một biện pháp hoặc hoạt động tố tụng hình sự đối với một vụ án hình sự cụ thể. Các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây của Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại các điểm d, đ, e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự là những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền tố tụng. Bởi lẽ, các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên thực chất là những quyết định thể hiện hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Như vậy, về kỹ thuật lập pháp có thể cho rằng, việc quy định các nhiệm vụ, quyền hạn (thuộc thẩm quyền tố tụng) tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự là không hợp lý mà phải quy định tại khoản 2 của Điều luật này mới chính xác.Cũng như Thủ trưởng Cơ quan điều tra và vì là nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền hành chính tư pháp, cho nên, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể uỷ nhiệm cho một Phó Viện trường Viện kiểm sát thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do vậy, khi ký các văn bản nêu trên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phải ký với danh nghĩa thay mặt Viện trưởng Viện kiểm sát.

Các nhiệm vụ, quyền hạn mà Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự là những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền tố tụng. Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự và như đã trình bày, thì khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại các điểm d, đ, e khoản 1 và khoản 2 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do vậy, chúng tôi cho rằng, các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây của Viện trưởng Viện kiểm sát thuộc thẩm quyền tố tụng: Quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; quyết định gia hạn điều tra, quyết định gia hạn tạm giam; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra; quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; quyết định chuyển vụ án;

quyết định việc truy tố, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định trưng cầu giám định; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi điều tra, quyết định xử lý vật chứng; kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà án; cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa; ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyển của Viện kiểm sát; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án theo quy định của pháp luật; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên; quyết định rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới.

Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền tố tụng nêu trên. Do vậy, khi được Viện trưởng quyết định phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án cụ thể (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự), thì Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền ký các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự với danh nghĩa (chức vụ) của mình mà không phải là ký thay Viện trưởng Viện kiểm sát.

Với những nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định nêu trên, người đứng đầu (Viện trưởng, Phó Viện trường khi được ủy nhiệm hoặc phân công) Viện kiểm sát có vai trò quyết định và chi phối mọi hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự. Vai trò của Kiểm sát viên trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự phụ thuộc vào các quyết định và sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát. Trong đó, có nhiệm vụ của Kiểm sát viên hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí quan điểm của Viện trưởng Viện kiểm sát như nhiệm vụ đọc cáo trạng. Nhưng nguyên tắc, tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát là “Thủ trưởng chế”; do vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại Điều 36 và 37 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhưng về kỹ thuật lập pháp, đề nghị: Bổ sung cụm từ “Viện trưởng” vào sau cụm từ “Quyết định phân công...” tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự; chuyển nội dung quy định tại các điểm d, đ, e khoản 1 sang khoản 2 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự.

(Nguồn:Nguyễn Quốc Sự - Cơ quan điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng)


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà Times, 35 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].