Phân tích tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/07): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/07): 1900 6198

Căn cứ pháp lý của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là "Bộ luật Hình sự") như sau:

"1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm."

Cấu thành tội phạm của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Về bản chất, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là một trường hợp được tách ra từ tội giết người. Vì vậy, cấu thành tội phạm của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cơ bản giống cấu thành tội phạm của tội giết người.

(i) Mặt khách quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Thứ nhất, trạng thái tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh khi thực hiện hành vi giết người.Người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái tinh thần của họ gần như người điên (người mất trí). Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước.

Trường hợp người phạm tội có bị kích động về tinh thần nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ thì không gọi là bị kích động mạnh và không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.Tuy nhiên, việc xác định trạng thái tinh thần của một người có bị kích động mạnh hay không là rất khó, bởi vì mỗi người có một trạng thái tâm lý khác nhau, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia, có người tức giận nổi điên lên nhưng cũng có người bình tĩnh, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Ví dụ : A và B đang uống rượu cùng nhau thì có một thanh niên bàn bên cạnh chạy lại khiêu khích, văng tục chửi A và B. Anh A tức giận liền đứng dậy đánh cho thanh niên kia một trận, tuy nhiên anh B thì chỉ cười và cho qua, anh B kéo anh A ra chỗ khác để tránh trường hợp xô xát. Vì vậy, không thể có sẵn một chuẩn mực để đo trạng thái kích động mạnh hay chưa mạnh về tinh thần của con người mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoạt động xã hội, điều kiện sống, tính tình, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân v.v... từ đó xác định mức độ bị kích động về tinh thần có mạnh hay không, mạnh tới mức nào?

Thứ hai, đối với người bị giết phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng.Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, trước hết bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật hình sự xâm phạm đến lợi ích của người phạm tội hoặc đối với những người thân thích của người phạm tội. Thông thường những hành vi trái pháp luật của nạn nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người phạm tội và những người thân thích của người phạm tội , nhưng cũng có một số trường hợp xâm phạm đến tài sản của người phạm tội như: đập phá tài sản, đốt cháy, cướp giật, trộm cắp v.v... Việc xác định một hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng.Nạn nhân phải bị chết thì người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân mới cấu thành "tội giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh".

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, vì không thể xác định được mục đích của người phạm tội khi người đó trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà chỉ có thể xác định người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Thứ ba, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân là nguyên nhân dẫn tới trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tinh thần bị kích động mạnh là mối quan hệ tất yếu nội tại có cái này thì ắt có cái kia. Không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân thì không có tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội và vì thế nếu người phạm tội không bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của người khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Thứ tư, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra cho người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội.Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội goại đối với các cháu v.v…

Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu hành vi của người phạm tội chưa làm chết người mà chỉ gây thương tích cho nạn nhân thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

(ii) Mặt chủ quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Lỗi của người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hoặc phải biết hành vi của mình là hành vi nguy hiểm cho xã hội và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.

(iii) Khách thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đã xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Quyền được sống là quyền cơ bản của con người từ khi sinh ra. Điều 19 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi nhận: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".

(iv) Chủ thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Hình phạt đối với người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh phải chịu một trong hai mức hình phạt được quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự như sau:

Khung 1: Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu có đầy đủ các dấu hiệu của tội phạm và hậu quả là làm 01 người chết.

Khung 2: Phạt tù từ 03 đến 07 năm nếu phạm tội đối với 02 người trở lên.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7) 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7) 1900 6198


Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].