Án treo và thời gian thử thách

Án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt có điều kiện. Án treo thể hiện tính nhân đạo của luật hình sự Việt Nam, có tác dụng khuyến khích người bị kết án tu dưỡng và lao động tại cộng đồng với sự giúp đỡ tích cực của xã hội cũng như gia đình đồng thời....

Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về án treo như sau: “1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm. 2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. 3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này. 4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. 5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Có thể hiểu một cách đơn giản thì án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt có điều kiện. Án treo thể hiện tính nhân đạo của luật hình sự Việt Nam, có tác dụng khuyến khích người bị kết án tu dưỡng và lao động tại cộng đồng với sự giúp đỡ tích cực của xã hội cũng như gia đình đồng thời cảnh báo họ nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì buộc phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên.

Theo quy định của bộ luật Hình sự thì có bốn căn cứ để cho người bị kết án tù được hưởng án treo:
- Về mức hình phạt tù. Đây là căn cứ đầu tiên để toà án xem xét cho người bị kết án tù có được hưởng án treo hay không. Những người được xem xét cho hưởng án treo phải là những người bị Toà án phạt tù không quá 3 năm, không kể tội đã phạm là tội gì. Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà hình phạt chung không vượt quá 3 năm tù thì cũng thuộc diện được xem xét cho hưởng án treo.

- Về nhân thân người phạm tội: Người được cho hưởng án treo phải là người có nhân thân tốt. Vì đây là căn cứ để xem xét người phạm tội với điều kiện cụ thể có khả năng tự giáo dục, cải tạo hay không để quyết định cho hưởng án treo. Người phạm tội được coi là có nhân thân tốt phải là người chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của bản thân với tư cách là thành viên trong xã hội, chưa có tiền án, tiền sự.

- Có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Các tình tiết giảm nhẹ để xem xét cho hưởng án treo là những tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, cũng như các tình tiết giảm nhẹ được Toà án xác định trong từng vụ án cụ thể. Có nhiều tình tiết giảm nhẹ có nghĩa là phải có từ 02 tình tiết trở lên trong đó ít nhất phải có một tình tiết được ghi nhận tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

- Thuộc trường hợp không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù. Người phạm tội thuộc trường hợp được hưởng án treo phải là người thực sự có khả năng tự hoàn lương trong môi trường xã hội cụ thể, không có nguy cơ tái phạm hoặc không gây ảnh hưởng xấu đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bởi tính chất loại tội phạm họ đã thực hiện cũng như do ảnh hưởng xấu của đối tưởng xung quanh.

Về thời gian thử thách của án treo. Bộ luật Hình sự quy định Toà án “ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm” cho người được hưởng án treo. Như vậy, khi quyết định cho người bị kết án tù được hưởng án treo, Toà án đồng thời buộc phải tuyên thời gian thử thách đối với người này trong giới hạn luật định vì chế định án treo chỉ có ý nghĩa khi thời gian thử thách được tuyên đúng. Thời gian thử thách là khoảng thời gian đủ để người bị án treo tự khẳng định về sự tự giác cải tạo, giáo dục của mình. Mặt khác, thời gian thử thách của án treo cũng giúp Toà án có điều kiện kiểm tra tính đúng đắn trong việc áp dụng án treo thông qua phân tích, đánh giá những thông tin cần thiết từ cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giám sát, giáo dục ngừoi bị án treo. Vì vậy, việc tuyên thời gian thử thách của án treo là bắt buộc, không thể cho hưởng án treo mà lại miễn thời gian thử thách.

Nguồn: Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, tập 1, NXB.Công an nhân dân, 2014.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].