Bắt người trong trường hợp khẩn cấp

Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là một trong số các trường hợp bắt người được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.

Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là bắt người khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của họ hay bắt người sau khi thực hiện tội phạm mà người đó bỏ trốn, cản trở việc điều tra, khám phá tội phạm.
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Những trường hợp khẩn cấp

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định chỉ được bắt khẩn cấp khi có một trong các căn cứ (trường hợp) sau đây:

* Trường hợp khẩn cấp thứ nhất: Khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đây là trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã có quá trình theo dõi, kiểm tra, xác minh các tin tức thu được và có đủ cơ sở để khẳng định một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm nghiêm trọng nên cần bắt ngay, để ngăn chặn kịp thời việc người đó gây thiệt hại cho xã hội.

Muốn xác định được trường hợp khẩn cấp này phải đảm bảo được hai điều kiện sau đây:

- Thứ nhất: Phải có căn cứ để khẳng định một người (hoặc nhiều người) đang chuẩn bị thực hiện tội phạm.. Hành vi chuẩn bị phạm tội nói trên mặc dù chưa trực tiếp xâm hại lợi ích của Nhà nước và công dân nhưng nó đã đặt các lợi ích ấy vào tình trạng bị đe dọa rất nghiệm trọng. Vì vậy, yêu cầu của cuộc đấu tranh đặt ra hết sức cấp bách, cần ngăn chặn ngay, không để tội phạm xảy ra.

- Thứ hai: Tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Chuẩn bị thực hiện tội phạm còn một khoảng cách nhất định với việc thực hiện tội phạm nên không phải mọi hành vi chuẩn bị thực hiện tội phạm đều cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 17 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định chỉ người nào chuẩn bị thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự không cho phép bắt khẩn cấp đối với người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng, vì theo quy định người chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, đối với người chuẩn bị thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể áp dụng các biện pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa, không được phép áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam…

* Trường hợp khẩn cấp thứ hai: Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Đây là trường hợp hành vi phạm tội đã được thực hiện, người phạm tội không bị bắt ngay lúc đó, nhưng người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm tận mắt chứng kiến hành vi phạm tội và trực tiếp xác định đúng là người đã thực hiện tội phạm, xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. Muốn bắt khẩn cấp trong trường hợp này, cần bảo đảm hai điều kiện sau:

- Phải có người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và trực tiếp xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm. Người này chỉ có thể là người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm đã trực tiếp chứng kiến lúc tội phạm đang xảy ra. Có như vậy mới bảo đảm tính xác thực và giá trị của lời tố giác tội phạm. Trường hợp người bị hại hoặc người khác đã xác nhận về kẻ thực hiện tội phạm nhưng họ không phải là người trực tiếp chứng kiến lúc tội phạm đang diễn ra mà nghe người khác kể lại, mô tả lại đặc điểm nhận dạng của người phạm tội, thì không được bắt khẩn cấp.

- Xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. Điều kiện này cho thấy yêu cầu ngăn chặn đặt ra rất cấp bách, nếu không bắt ngay kẻ phạm tội sẽ trốn, gây khó khăn cho việc điều tra, khám phá tội phạm.

Những căn cứ để xét và đi đến quyết định cần bắt để ngăn chặn ngay việc người phạm tội trốn gồm các trường hợp sau đây: đang có hành động bỏ trốn hoặc đang chuẩn bị bỏ trốn; không có nơi cư trú rõ ràng; có nơi cư trú nhưng ở quá xa; là đối tượng lưu manh, côn đồ, hung hãn; chưa xác định được thân nhân người đó (căn cước lý lịch không rõ ràng).

Để có quyết định đúng đắn trong việc bắt khẩn cấp theo trường hợp thứ hai này, cơ quan điều tra cần thẩm tra, xác minh kịp thời lời xác nhận, tố giác của người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm, đồng thời phải kiểm tra căn cước lai lịch và lấy lời khai của người bị tố cáo là kẻ phạm tội. Chú ý đề phòng sự nhầm lẫn của người phát hiện, tố giác hoặc sự vu khống. Nếu người nào lợi dụng quyền phát hiện, tố giác tội phạm để vu khống cho người khác (bịa đặt là người khác phạm tội rồi báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

* Trường hợp khẩn cấp thứ ba: Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Trong trường hợp này, cơ quan điều tra chưa có đủ tài liệu, chứng cứ xác định một người phạm tội, mới phát hiện được những dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người đó và từ những dấu vết ấy mà người đó bị nghi thực hiện một tội phạm. Nếu xét thấy cần bắt ngay để ngăn chặn việc họ trố hoặc tiêu hủy chứng cứ, thì phải ra lệnh bắt khẩn cấp.

Trong trường hợp khẩn cấp này đòi hỏi phải thỏa mãn hai điều kiện sau đây:

- Tìm thấy dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm.

- Cần ngăn chặn người bị nghi thực hiện tội phạm trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Điều kiện này đòi hỏi phải có căn cứ để cho rằng nếu không bắt ngay, người bị nghi thực hiện tội phạm nói trên rất có thể sẽ trốn hoặc có hành động tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Các tình tiết được coi là căn cứ để ngăn chặn việc người bị nghi thực hiện tội phạm bỏ trốn cũng tương tự như các tình tiết được trình bày trong trường hợp khẩn cấp thứ hai. Nếu người bị nghi thực hiện tội phạm không có biểu hiện bỏ trốn nhưng lại có hành động chuẩn bị tiêu hủy chứng cứ hoặc đang tiêu hủy chứng cứ thì cũng cần quyết định bắt khẩn cấp ngay.

Thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp

Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp;

- Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương, người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;

- Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp

Thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp về cơ bản cũng được BLTTHS quy định và áp dụng tương tự như thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam nhưng có một số điểm khác.

Thứ nhất: Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp không cần sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. Qui định như vậy nhằm đảm bảo cho việc bắt đạt hiệu quả và kịp thời, đúng như tên gọi “khẩn cấp” của trường hợp bắt người này, nếu trì hoãn không tiến hành ngay thì sẽ mất cơ hội ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người có hành vi phạm tội trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc điều tra khám phá tội phạm.

Thứ hai: Sau khi đã bắt người, việc bắt khẩn cấp phải báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản cùng các tài liệu liên quan để xét và phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì phải trả tự do ngay cho người bị bắt (thời hạn xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp quy định cho viện kiểm sát là 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp).

Thứ ba: Trong trường hợp khẩn cấp được bắt người vào bất kỳ lúc nào, không kể ban ngày hay ban đêm.

Quyền và trách nhiệm của công dân về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp

Mặc dù các trường hợp khẩn cấp mang tính chất rất cấp bách, cần phải ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, hoặc hành vi trốn tránh pháp luật của người phạm tội nhưng việc nhận biết các hành vi đó không dễ dàng, thường phải tiến hành theo dõi, thẩm tra, xác minh mới biết được. Vì vậy, BLTTHS quy định công dân không được quyền bắt người trong trường hợp khẩn cấp nhưng có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan điều tra kịp thời phát hiện và bắt ngay những kẻ phạm tội để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích chính đáng của công dân.

Mọi công dân khi phát hiện hoặc nghi vấn một người nào đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, khi phát hiện trong người hoặc tại chỗ ở của người khác có ấu vết của tội phạm, khi gặp lại kẻ trước đó đã gây ra tội phạm mà mình trực tiếp chứng kiến… thì cần lập tức báo ngay cho cơ quan điều tra để kịp thời thẩm tra, xác minh và có biện pháp giải quyết. Nếu xét thấy có đủ căn cứ và cần thiết thì cơ quan điều tra quyết định bắt khẩn cấp. Mọi công dân cũng cần giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo dõi, giám sát chặt chẽ người bị nghi thực hiện tội phạm, không để cho họ có điều kiện chạy trốn, phân tán, cất giấu hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Phạm vi hành nghề của luật sư trong lĩnh vực hình sự:

(i) Dịch vụ tranh tụng: Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo) và người bị tố giác (tố cáo); người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp;

Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;

(ii) Tư vấn pháp luật: Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng trong lĩnh vực hình sự.Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực pháp lý có liên quan đến lĩnh vực hình sự: hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, tài chính, kế toán… và nhiều lĩnh vực khác.

(iii) Đại diện theo ủy quyền: Trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể đại diện cho khách hàng ngoài tố tụng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

(iv) Dịch vụ pháp lý khác: Liên quan tới lĩnh vực hình sự, luật sư giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc về thủ tục hành chính, tư pháp; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch; giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198, E-mail:[email protected].