Cấu thành tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi

Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi là hành vi dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn nhằm thúc đẩy người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ để nhận tiền, tài sản.

Điều 291 Bộ luật Hình Sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi như sau: “1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi".



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, mà chỉ lợi dụng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi. Việc nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương “các tội phạm về chức vụ” là vì khách thể của tội phạm chứ không phải vì chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, nhưng không phải là bắt buộc đối với tội phạm này.

Người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi có thể là người đang có chức vụ, quyền hạn, nhưng họ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, mà họ chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chi phối người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi cũng tương tự như khách thể của tội nhận hối lộ hoặc tội đưa hối lộ, đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức bị thoái hoá biến chất.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội có hai hành vi khách quan: Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn và hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn là lợi dụng mối quan hệ giữa mình với người có chức vụ, quyền hạn để yêu cầu, thúc dục, chi phối người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Biểu hiện của hành vi thúc đẩy có thể là trực tiếp yêu cầu; viết thư, gọi điện thoại; thông qua người khác để yêu cầu... Việc yêu cầu này có thể là một lần, nhưng có thể là nhiều lần cho đến khi yêu cầu đó được đáp ứng. Nội dung của yêu cầu mà người phạm tội đưa ra là vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người mà người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào là hành vi của người nhận hối lộ trong tội nhận hối lộ.69 Họ là người trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người “nhờ” người phạm tội.

Hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người phạm tội có thể là hành vi phạm tội đưa hối lộ hoặc có thể chỉ là người bị hại trong vụ án lừa đảo nếu người nhận tiền không có hành vi thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

b. Hậu quả

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, vì số tiền mà người phạm tội nhận không phải là hậu quả của tội phạm này mà nó chỉ là hành vi khách quan (hành vi nhận tiền), còn số tiền bao nhiêu lại là phương tiện thực hiện tội phạm, còn hậu quả của tội phạm này chỉ là những thiệt hại về tài sản, tinh mạng, sức khoẻ và những thiệt hại nghiêm trọng khác do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, nếu tiền hoặc tài sản mà người phạm tội nhận chưa đến 500.000 đồng thì hậu quả nghiêm trọng lại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Tiền hoặc tài sản mà người phạm tội nhận chưa đến 500.000 đồng và không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì chưa cấu thành tội phạm, vì chưa thoả mãn dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm chứ không phải vì chưa có hậu quả xảy ra.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Mục đích của tội phạm này lại là dấu hiệu bắt buộc, nếu người phạm tội không có mục đích trục lợi thì người có hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn không cấu thành tội phạm này. Dấu hiệu trục lợi quy định trong cấu thành tội phạm này không phải là động cơ mà là mục đích. Còn động cơ của người phạm tội trước hết là vì tư lợi, ngòi ra có thể vì động cơ khác. Nhà làm luật không quan tâm đến động cơ của người phạm tội mà chỉ quy định mục đích (để trục lợi).


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:

1.Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
2.Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
3.Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
4.E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].