Cấu thành tội nhận hối lộ

Nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (sau đây gọi tắt là "Bộ luật Hình sự") như sau:
"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (b) Lợi ích phi vật chất. - 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Có tổ chức; (b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; (c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng358 đến dưới 3.000.000.000 đồng; (đ) Phạm tội 02 lần trở lên; (e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; (g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. - 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: (a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; (b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng. - 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: (a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; (b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. - 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. - 6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này."


Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội nhận hối lộ

Chủ thể của tội nhận hối lộ cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội nhận hối lộ, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng lại không giống như người có chức vụ, quyền hạn trong tội tham ô tài sản. Nếu người có chức vụ, quyền phạm tội tham ô tài sản phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản, thì người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội nhận hối lộ rộng hơn. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ lại không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. khoản 3 và khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp nhận hối lộ quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo khoản 1 của Điều 279 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội nhận hối lộ quy định tại khoản 1 của điều luật là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội nhận hối lộ

Khách thể của tội nhận hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Vì vậy, hối lộ cùng với tham ô được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc nạn, phải đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi.

Đối tượng tác động của tội nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội nhận hối lộ

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội nhận hối lộ phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.

Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ thì mới bị coi là nhận hối lộ. Nếu hành vi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là nhận hối lộ.

Có nhiều hình thức hối lộ như qua trung gian hoặc trực tiếp nhận hối lộ. Như vậy hình thức nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với cấu thành tội nhận hối lộ, nhưng căn cứ vào hình thức ta xác định được thủ đoạn của hành vi nhận hối lộ do người phạm tội thực hiện.

b. Hậu quả

Hậu quả của tội nhận hối lộ là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Đối với tội nhận hối lộ, nhà làm luật quy định giá trị của hối lộ từ 500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu dưới 500.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội đã nhận hối lộ mà của hối lộ 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định nhận hối lộ 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa nhận của hối lộ thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội nhận hối lộ

Người phạm tội nhận hối lộ thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn nhận được của hối lộ.

Mặc dù điều luật quy định đã nhận hoặc sẽ nhận, nhưng không vì thế mà cho rằng ý định nhận hối lộ của người phạm tội có sau khi thực hiện hành vi phạm tội, cho dù người phạm tội sẽ nhận của hối lộ sau khi làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì người nhận hối lộ vẫn có ý định nhận của hối lộ trước khi thực hiện hành vi phạm tội.

Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội không có ý định nhận của hối lộ thì dù họ có làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì cũng không phải nhận hối lộ.

Bài viết thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Sỹ Việt - Phòng tranh tụng của Công ty Luật TNHH Everest.

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].