Cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định của BLHS 2015

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự).

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi cản trở hoặc tước bỏ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác một cách trái luật.


Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lý của tội xâm phạm chỗ ở của người khác

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 (Bộ luật Hình sự) quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:

"1- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: (a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; (b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; (c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; (d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: (a) Có tổ chức; (b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; (c) Phạm tội 02 lần trở lên; (d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; (đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm" (Điều 158).

Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác

(i) Khách thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác:

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là một trong các tội xâm phạm quyền tự do, an ninh cá nhân của con người, là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của công dân.

Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, quyền này đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và còn được cụ thể hoá bởi những quy định khác của pháp luật.

Đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của cá nhân, có thể là nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền của ngư dân mà cả gia đình họ sinh sống trên tầu thuyền đó như là nhà ở của mình, cũng có khi chỉ là một túp lều, một chỗ ở gầm cầu, bến tầu, bến xe, vỉa hè của những người sống lang thang cơ nhỡ… Nếu nhà ở, căn hộ do Nhà nước quản lý nhưng chưa có người ở mà người phạm tội có hành vi xâm phạm (phá khoá vào chiếm nhà) thì không phải là xâm phạm chỗ ở của người khác mà tuỳ trường hợp cụ thể mà hành vi xâm phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

(ii) Mặt khách quan của tội xâm phạm chỗ ở của người khác:

Hành vi vi phạm:Hành vi phạm tội được mô tả cụ thể tại khoản 1 điều 158 BLHS 2015, cụ thể là các hành vi:

- Hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: lục soát, tìm kiếm những gì mà người khám có ý định tìm kiếm trong phạm vi chỗ ở của người khác khi chưa được sự cho phép của pháp luật. Như là không có lệnh khám xét chỗ ở, tuy có lệnh nhưng lệnh đó không hợp pháp hoặc khi thực hiện việc khám không đúng thủ tục… Muốn biết trường hợp nào là khám xét chỗ ở trái phép thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về trường hợp được khám chỗ ở. Việc khám xét chỗ ở có liên quan đến hành vi phạm tội được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, còn việc khám chỗ ở có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính được tiễn hành theo Luật xử phạt vi phạm hành chính.

- Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ: Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ thường do những người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: Chủ nợ xiết nợ, tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong trong quan hệ thuê nhà, muợn nhà… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người thực hiện hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ lại do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, trong trường hợp này chủ yếu do những người thực hiện công vụ trái pháp luật như: Cán bộ thi hành án, cán bộ thi hành quyết định hành chính gây ra.

- Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ: Hành vi này được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ nhà và gia đình họ ra khỏi chỗ ở rồi chiếm chỗ ở, tự ý dọn đồ của chủ nhà ra ngoài để chuyển đồ đạc của mình vào nhà khi chủ nhà đi vắng rồi ở luôn trong nhà.

- Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp. Đây là trường hợp không dọn đồ đạc của chủ nhà ra mà trong lúc chủ nhà đi vắng đã dọn đồ đạc của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm vào nơi ở của chủ nhà nhằm mục đích tranh giành một phần diện tích nhà ở.

Hậu quả và mối quan hệ nhân quả:Hậu quả của tội xâm phạm chỗ ở của công dân là làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của công dân và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại. Các thiệt hại này, đều có liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, nếu những thiệt hại không liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, mà xâm phạm đến các quyền khác thì tuỳ từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.Hậu quả từ hành vi xâm hại là tác động trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Đây là hậu quả phi vật chất, bởi vậy điều luật này được cấu thành hình thức, tức là khi người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở theo mô tả của cấu thành tội phạm là đã thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm chứ không xét hậu quả từ hành vi xâm phạm đó trên thực tế.

(iii) Chủ thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác:

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác, chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Nói chung chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định như Bộ đội Biên phòng; Cán bộ kiểm lâm; Cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang; Cán bộ, nhân viên Công an nhân dân… Đối với những người này, thông thường phạm tội trong khi thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân, lợi dụng công vụ mà xâm phạm chỗ ở của cá nhân.

(iv) Mặt chủ quan của tội xâm phạm chỗ ở của người khác:

Tội xâm phạm chỗ ở của công dân được thực hiện do cố ý (lỗi cố ý phạm tội), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xẩy ra.

Nói chung, người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân thực hiện hành vi của mình thường do lỗi cố ý trực tiếp (hình thức lỗi cố ý thứ nhất), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội chỉ nhận thức được hành vi là trái pháp luật, có thể thấy trước hậu quả của hành vi, không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xẩy ra (hình thức lỗi cố ý gián tiếp).

Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân có nhiều động cơ khác nhau, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm được chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác, có người mong đuổi được người khác ra khỏi chỗ ở, có người mong lấn chiếm được được một phần chỗ ở của người khác.v.v…

Hình phạt đối với người phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác

Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi người phạm tội thực hiện 1 trong 4 hành vi được mô tả tại khoản 1:Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; xâmnhập trái pháp luật chỗ ở của người khác(thuộc loại tội ít nghiêm trọng).

Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi người phạm tội rơi vào 1 trong 5 trường hợp tại khoản 2 Điều 158, bao gồm các trường hợp:Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác, ngoài việc phải chịu một trong số hình phạt chính nêu trên còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sungcấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 158 Bộ luật hình sự.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm vô ý làm chết người:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Bài viết thực hiện bởi: luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].