Hậu quả pháp lý của án treo

Dù không cách ly ra khỏi đời sống xã hội nhưng người được hưởng án treo phải chịu một thời gian thử thách nhất định. Thời hạn này là một khoảng thời gian xác định theo mỗi trường hợp cụ thể nhưng trong một mức ấn định của pháp luật hình sự từ tối thiểu tới tối đ

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện – không buộc người bị kết án cách ly khỏi đời sống xã hội mà để họ tự giáo dục cải tạo, song không vì vậy mà người được hưởng án treo không phải chịu hậu quả pháp lý nào. Họ không hoàn toàn như những người khác về mặt quyền lợi mà họ sẽ phải chịu một hậu quả pháp lý đặc trưng của chế định án treo là phải chịu một thời gian thử thách nhất định. Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “… nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm…”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

1. Thời gian thử thách và cách tính thời gian thử thách của án treo

-Về thời gian thử thách của án treo

Thời gian thử thách là thời hạn do tòa án quyết định trong một khoảng xác định, trên cơ sở các quy định của pháp luật hình sự, đối với từng trường hợp cụ thể nhằm kiểm tra tính đúng đắn của việc không áp dụng hình phạt đã được tòa án quyết định đối với người phạm tội, để tiến hành công tác giáo dục riêng đối với người đó.

Như vậy, dù không cách ly ra khỏi đời sống xã hội nhưng người được hưởng án treo phải chịu một thời gian thử thách nhất định. Thời hạn này là một khoảng thời gian xác định theo mỗi trường hợp cụ thể nhưng trong một mức ấn định của pháp luật hình sự từ tối thiểu tới tối đa. Thời gian thử thách còn có tác dụng răn đe và giám sát người phạm tội, kiểm tra xem họ có chịu tự cải tạo, giáo dục không, có tuân thủ theo những điều kiện mà tòa án đặt ra và đe dọa họ nếu như phạm tội mới sẽ phải chịu hậu quả pháp lý nặng nề - chấp hành hình phạt tổng hợp của cả hai bản án.

Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì thời gian thử thách áp dụng cho người bị phạt tù được hưởng án treo là bắt buộc và khoảng thời gian này được xác định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định mối tương quan giữa mức hình phạt tù đã quyết định và thời gian thử thách áp dụng cho người được hưởng án treo là bao nhiêu, mà khi xét xử tòa án sẽ đánh giá nhân thân người phạm tội, xem xét các tình tiết giảm nhẹ và khả năng cũng như yêu cầu cải tạo, giáo dục người phạm tội mà ấn định một mức thời gian hợp lý, thông thường thì với mức phạt tù cao thì mức thời gian thử thách là dài và ngược lại. Điều này dẫn đến việc không thống nhất trong ấn định thời gian thử thách.

Chính vì vậy, tại Điều 3 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP đã quy định: “Khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo, Toà án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 1 năm và không được quá 5 năm”.
.
Thời gian thử thách có một ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho việc cải tạo, giáo dục người phạm tội, là quãng thời gian cần thiết để khẳng định tính đúng đắn của án treo, khả năng cải tạo của người phạm tội. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào dù người phạm tội bị tạm giam, cũng không thể vì lý do họ đã bị tạm giam đã lâu mà miễn cho họ thời gian thử thách. Miễn cho họ thời gian thử thách thì án treo sẽ không còn ý nghĩa cải tạo gì đối với người phạm tội.

Về vai trò của cơ quan, chính quyền quản lý người được hưởng án treo trong thời gian thử thách. Khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó”.

Như vậy, người được hưởng án treo dù không phải cách ly khỏi đời sống xã hội song trong hoạt động bình thường của mình, họ phải chịu một sự giám sát, quản lý của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm. Đây là một sự hạn chế riêng đối với những người được hưởng án treo. Sự theo dõi, giáo dục của chính quyền địa phương với người được hưởng án treo nhằm đánh giá việc cải tạo của họ và tránh cho họ những ảnh hưởng xấu dẫn đến việc phạm tội. Như vậy, vai trò của chính quyền địa phương, của cơ quan nhà nước, của tổ chức xã hội trong cải tạo người phạm tội được hưởng án treo là rất lớn. Nhưng thực tế việc quản lý, giáo dục người phạm tội được hưởng án treo chưa đáp ứng nhiệm vụ đặt ra mặc dù luật tố tụng hình sự đã chỉ rõ các cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giáo dục người phạm tội được hưởng án treo trong mọi trường hợp xảy ra… Nguyên nhân là từ sự phối hợp không đồng bộ giữa tòa án nói riêng và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung với chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trực tiếp có nhiệm vụ giáo dục người được hưởng án treo. Việc thiếu một hệ thống các quy định về chế độ cải tạo người được hưởng án treo gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm thực hiện công việc giáo dục và sự quy định không rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan này cũng gây ra những khó khăn cho việc quản lý người phạm tội được hưởng án treo, Do đó, nhằm đảm bảo tính răn đe của thời gian thử thách đối với người phạm tội được hưởng án treo cần có sự quy định định chặt chẽ thêm về vai trò của các tổ chức, cơ quan và chính quyền địa phương trong cải tạo người phạm tội được hưởng án treo, từ đó giúp họ quay trở lại làm người tốt.

-Về cách tính thời gian thử thách của án treo

Điều 4 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP quy định: “Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo; cụ thể như sau: 1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm. 2. Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm. 3. Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm. 4. Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. 5. Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm bị huỷ để điều tra lại và sau đó xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần sau theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này”.

Như vậy, ngoài thời gian thử thách của án treo, một dạng hậu quả pháp lý thì án treo còn có một hậu quả pháp lý nữa đó là hình phạt tổng hợp mà người được hưởng án treo phải chịu nếu như trong thời gian thử thách họ lại phạm tội mới.

2. Hình phạt tổng hợp trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách

Khoản 5 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định như sau: “Người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy đinh tại Điều 51 của Bộ luật này”.

Như vậy, người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo nếu trong thời gian thử thách họ phạm tội mới. Trường hợp một người đang được hưởng án treo mà sau đó lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác, thì Tòa án xét xử, quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không cho hưởng án treo một lần nữa. Người phạm tội đồng thời phải chấp hành hai bản án. Việc thi hành án trong trường hợp này do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Luật thi hành án hình sự.

Trong trường hợp sau khi hết hạn thời gian thử thách mới phát hiện được rằng người được hưởng án treo đã thực hiện một tội phạm mới trong thời gian thử thách thì việc xét xử và tổng hợp hình phạt vẫn tiến hành như trong trường hợp tội phạm hiện trong thời gian thử thách của án treo và tòa án nào đã cấp giấy chứng nhận xóa án cho người bị kết án thì tòa án đó phải ra quyết định huỷ giấy chứng nhận xóa án đã cấp sai.

Trường hợp buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù mà họ đã được hưởng án treo thì thời gian tạm giam về tội cũ cũng như thời gian tạm giam về tội mới được khấu trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù (trường hợp họ bị tạm giam).

Theo đó, trường hợp trong thời gian thử thách mà tòa án ấn định, người được hưởng án treo không phạm tội mới thì họ đương nhiên không phải chấp hành hình phạt tổng hợp của hai bản án.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nhân đạo của chế định án treo, thì để thể hiện được tính nghiêm khắc của chế định án treo qua hậu quả pháp lý (hình phạt tổng hợp nếu người được hưởng án treo phạm tội mới) yêu cầu đặt ra đối với các tòa án là phải tổng hợp hình phạt đúng. Thực tế có những trường hợp tổng hợp hình phạt sai như tổng hợp hình phạt tù của cả hai bản án (bản án đã cho hưởng án treo với hình phạt tù của bản án mới) nhưng lại chỉ bắt chấp hành hình phạt tù của một bản án, và trường hợp tội mới do cố ý và tòa án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, nhưng không quy đổi mà để cho người phạm tội chấp hành song song hai bản án… đều làm ảnh hưởng xấu đến tính nghiêm khắc trong hậu quả pháp lý của án treo qua đó làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn của chế định án treo gây ra tâm lý coi thường chế định này. Vì vậy, đòi hỏi khi tòa án tổng hợp hình phạt phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc về tổng hợp hình phạt cùng loại hay khác loại quy định ở Điều 50 và Điều 51 Bộ luật Hình sự 1999.

Về việc xóa án và giảm thời gian thử thách của án treo. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Bộ luật Hình sự 1999 thì trong 01 năm kể từ ngày hết thời gian thử thách của án treo nếu người bị kết án không phạm tội mới thì họ sẽ đương nhiên được xóa án. Đương nhiên xóa án có nghĩa là khi hết thời gian thử thách và 01 năm sau đó người phạm tội được hưởng án treo không phạm tội gì khác nữa thì trong lý lịch tư pháp của họ sẽ không có tiền án, mà không cần tòa án phải ra một quyết định nào để cho phép họ được xóa án. Việc xóa án đương nhiên diễn ra nếu như họ đã không phạm tội sau 01 năm kể từ khi hết hạn của thời gian thử thách. Quy định này có tác dụng phòng ngừa tội phạm, đe dọa người được hưởng án treo nếu như phạm tội nữa dù đã hết thời gian thử thách song sẽ có trách nhiệm hình sự nặng hơn bởi vì có tình tiết tăng nặng là có tiền án.

Bên cạnh đó, để khuyến khích người được hưởng án treo tích cực cải tạo đồng thời cũng thể hiện sự khoan hồng của nhà nước thì pháp luật cũng quy định việc giảm thời gian thử thách cho người được hưởng án treo tích cực cải tạo và có những tiến bộ nhất định.

Nguồn tham khảo: Nguyễn Thị Giang (www.moj.gov.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].