Hoàn thiện các quy định về biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS 2003

Các biện pháp ngăn chặn được quy định tại chương VI Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, các biện pháp ngăn chặn còn được quy định tại một số chương khác trong bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Nghiên cứu tổng thể các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) và qua thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, một số quy định về các biện pháp ngăn chặn của BLTTHS còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân và gây khó khăn trong việc giải quyết các vụ án vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trước tình hình đó, nghiên cứu các quy định của BLTTHS nói chung, các quy định về về các biện pháp ngăn chặn nói riêng để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt hơn các nguyên tắc tố tụng hình sự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được kịp thời, chính xác là yêu cầu bức thiết. Vì vậy, chúng ta phải rà soát lại các quy định của BLTTHS hiện hành, xác định những điểm bất hợp lý để quy định chặt chẽ hơn các căn cứ, điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam và thu hẹp một cách hợp lý thẩm quyền ra quyết định biện pháp tạm giam.

1. Về vấn đề phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp

Theo quy định tại khoản 4 Điều 81 BLTTHS, trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.

Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 BLTTHS, sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp..., cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

Với những quy định trên có thể thấy, trong các trường hợp bắt khẩn cấp được BLTTHS quy định thì sau khi việc bắt khẩn cấp đã được thực hiện và Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của người bị bắt, thì Viện kiểm sát mới xem xét, quyết định việc phê chuẩn hay không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp. Đây là điều không hợp lý. Theo chúng tôi, bắt khẩn cấp là một hoạt động độc lập với hoạt động tạm giữ. Sau khi bắt khẩn cấp sẽ là việc xem xét có tạm giữ người bị bắt hay không cho nên việc phê chuẩn của Viện kiểm sát sau khi việc bắt khẩn cấp đã được thực hiện thực chất là phê chuẩn việc tạm giữ đối với người đã bị bắt khẩn cấp vì nếu Viện kiểm sát phê chuẩn thì người bị bắt khẩn cấp sẽ bị tạm giữ, còn nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì người bị bắt khẩn cấp sẽ phải được trả tự do.

Từ lập luận đó, chúng tôi cho rằng cần phải xem xét lại các quy định liên quan đến việc bắt khẩn cấp và tạm giữ để sửa đổi, bổ sung theo hướng sửa đổi quy định về việc Viện kiểm sát phê chuẩn bắt khẩn cấp bằng việc Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định tạm giữ.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

2. Về thông báo việc bắt, tạm giữ

Điều 83 BLTTHS quy định:

“Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay”.

Nghiên cứu quy định trên có thể thấy, thông báo về việc bắt thực chất chỉ được thực hiện sau việc bắt đã được thực hiện và người bị bắt đang bị tạm giữ. Quy định về việc “phải thông báo ngay” không có định lượng về khoản thời gian xác định nên dễ bị áp dụng tuỳ tiện. Một số đối tượng như người không có hoặc không xác định được gia đình, nơi cư trú, làm việc; người nước ngoài bị bắt, tạm giữ... thì việc thông báo việc bắt, tạm giữ cho ai cũng chưa được xác định rõ. Sau khi bị tạm giữ, theo quy định tại Điều 48 BLTTHS, người bị tạm giữ có quyền nhờ người khác bào chữa, song cơ chế để người bị bắt, tạm giữ yêu cầu cơ quan bắt, tạm giữ thông báo cho người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa cho người bị bắt, tạm giữ cũng chưa được xác định cụ thể.

Từ những hạn chế trên của Điều 83 BLTTHS, chúng tôi cho rằng, quy định về việc thông báo việc bị bắt tại điều luật trên cần được xem xét lại để sửa đổi, bổ sung theo hướng sửa đổi thông báo về việc bị bắt bằng thông báo về việc tạm giữ và quy định bổ sung khoảng thời gian nhất định của việc thông báo (có thể là trong thời hạn không quá 12 giờ từ thời điểm tạm giữ người bị bắt) thì cơ quan tạm giữ phải thông báo về việc tạm giữ cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc.

Trong trường hợp người bị tạm giữ không có gia đình hoặc không xác định được gia đình và cũng không xác định được nơi cư trú, làm việc của người bị bắt (do người bị tạm giữ cố tình giấu diếm) thì phải thông báo cho những người thân thích khác của người bị tạm giữ khi họ đề nghị hoặc tạo điều kiện cho người bị tạm giữ tự thông báo cho người thân thích của họ.

Trong trường hợp người bị bắt, tạm giữ đề nghị được mời người bào chữa thì cơ quan tạm giữ phải thông báo cho người bào chữa đó (nếu người bị tạm giữ đề nghị đích danh) hoặc thông báo cho Đoàn luật sư để Đoàn luật sư cử người bào chữa tham gia bào chữa cho người bị bắt, tạm giữ.

Trong trường hợp người bị bắt, tạm giữ là người nước ngoài thì cơ quan bắt, tạm giữ phải thông báo cho Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán nước đó biết về việc công dân nước họ đang bị tạm giữ.

3. Về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam

Cùng với căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung được quy định tại Điều 79 BLTTHS, Điều 88 và Điều 303 BLTTHS quy định về các điều kiện để tạm giam. Nghiên cứu các quy định này có thể thấy một số điểm chưa phù hợp.

Một là, theo quy định tại khoản 1 Điều 88 BLTTHS, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trong, phạm tội rất nghiêm trọng. Về nguyên tắc, việc có áp dụng tạm giam trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trong hoặc phạm tội rất nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào cả quy định tại Điều 79 BLTTHS. Tuy nhiên, vì Điều 79 BLTTHS là quy định về những căn cứ chung để áp dụng cho tất cả các biện pháp ngăn chặn nên thông thường người áp dụng pháp luật chỉ dựa vào Điều 88 BLTTHS để xác định có quyết định tạm giam bị can, bị cáo hay không. Trên thực tế, nhiều trường hợp khi xem xét, quyết định việc tạm giam người phạm tội khó có thể xác định chính xác ngay người đó phạm tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng không (việc xác định trong nhiều trường hợp phải qua quá trình điều tra, chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án). Ngay cả trong trường hợp tại thời điểm xem xét, quyết định việc tạm giam đã xác định được chính xác một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng nhưng nếu không có căn cứ để cho rằng người đó có thể sẽ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc sẽ bỏ trốn, thì cũng không cần thiết phải tạm giam. Do vậy, nếu coi một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng là điều kiện để có thể tạm giam thì có thể xảy ra những trường hợp lạm dụng quy định này để tạm giam cả đối với người không cần thiết phải tạm giam.

Hai là, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 BLTTHS, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Theo chúng tôi, quy định này cũng cần được xem xét lại vì vào thời điểm xem xét, tạm giam một người có thể chưa xác định được chính xác tính chất tội phạm mà người đó thực hiện là tội phạm loại gì. Trường hợp đã xác định được chính xác một người phạm tội ít nghiêm trọng, nhưng BLHS quy định hình phạt tù từ hai năm tù trở xuống và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội và không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, thì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 BLTTHS, cũng không thể áp dụng biện pháp tạm giam. Đây là quy định không phù hợp, vì gây khó khăn cho việc điều tra và giải quyết vụ án, nhất là đối với những trường hợp người phạm tội không có nơi cư trú, làm việc ổn định hoặc không xác định được nơi cư trú, làm việc của người phạm tội.

Ba là, theo quy định tại khoản 2 Điều 303 BLTTHS, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị tạm giam trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng, quy định này cũng cần được xem xét lại vì, như chúng tội đã phân tích, tại thời điểm xem xét, quyết định tạm giam một người, cơ quan có thẩm quyền khó có thể xác định chính xác ngay tính chất tội phạm mà người đó đã thực hiện.

Trong trường hợp xác định được chính xác tính chất tội phạm mà người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện không thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội và không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 303, cũng không thể áp dụng biện pháp tạm giam. Đây là điều không phù hợp. Trên thực tế, đã xảy ra những trường trường hợp người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý hoặc tội nghiêm trọng do vô ý như phạm tội cố ý gây thương tích (khoản 1 Điều 104), tội trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 138 BLHS), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 139 BLHS), tội đua xe trái phép (khoản 1 Điều 207 BLHS), tội gây rối trật tự công cộng (khoản 1 Điều 245 BLHS), tội đánh bạc (khoản 1 Điều 248 BLHS), tội chống người thi hành công vụ (khoản 1 Điều 257 BLHS), tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (khoản 1 Điều 202 BLHS)... Đối với những trường hợp này, mặc dù xác định được người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không có nơi cư trú, làm việc ổn định hoặc không xác định được nơi cư trú, làm việc của người phạm tội và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội và cũng không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ.

Như vậy, vấn đề đặt ra là do hạn chế của các quy định của BLTTHS mà nhiều trường hợp người phạm tội không thể bị áp dụng bất cứ biện pháp ngăn chặn nào, họ phạm tội nhưng vẫn ở ngoài xã hội và có thể tiếp tục phạm tội. Việc không áp dụng được biện pháp ngăn chặn đối với họ cũng đã gây không ít khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án mà bị can, bị cáo thuộc các đối tượng người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, các quy định về tạm giam trong BLTTHS năm 2003 cần được xem xét lại để sửa đổi, bổ sung theo hướng sau:

- Không nên dựa trên cách phân loại tội phạm tại Điều 8 BLHS để quy định điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam. Về nguyên tắc, người phạm tội đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 BLHS thì đều có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nếu có căn cứ quy định tại Điều 79 BLTTHS, trong đó có biện pháp tạm giam.

- Để hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam cần quy định chặt chẽ hơn các căn cứ để tạm giam, nhưng về nguyên tắc không được làm bó tay các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Theo đó, chỉ được ra quyết định tạm giam trong trường hợp có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo có thể trốn hoặc sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội và không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn đối với họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác mà vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì có thể bị áp dụng biện pháp tạm giam (bảo đảm sự phù hợp, tính đồng bộ với các quy định về các biện pháp ngăn chặn khác)

- Sửa đổi, bổ sung căn cứ, điều kiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác ngoài biện pháp tạm giam để có thể mang tính khả thi, thay thế được biện pháp tạm giam.

4. Về thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam và ra lệnh tạm giam

Trong số các biện pháp ngăn chặn thì biện pháp tạm giam là biện pháp nghiêm khắc nhất, nó tác động đến một trong những quyền cơ bản nhất của công dân là quyền tự do về thân thể. Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật tố tụng hình sự các nước quy định đối tượng được quyền quyết định áp dụng biện pháp này rất hạn chế (nhiều nước quy định việc có áp dụng biện pháp tạm giam hay không phải được đưa ra Toà án xem xét, quyết định).

Theo quy định tại khoản khoản 1 Điều 80 và khoản 3 Điều 88 BLTTHS, những người có thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam và ra lệnh tạm giam bao gồm cả Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án Toà án các cấp. Theo chúng tôi, quy định phạm vi chủ thể được ra lệnh tạm giam như vậy là quá rộng. BLTTHS cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng chủ thể được ra lệnh tạm giam. Trong giai đoạn điều tra, việc ra lệnh bắt bị can để tạm giam và ra lệnh tạm giam chỉ nên giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát. Thay vì việc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra có quyền ra lệnh bắt bị can để tạm giam và ra lệnh tạm giam như quy định của BLTTHS hiện hành thì chỉ nên quy định cho các chủ thể này có nghĩa vụ thu thập các tài liệu, chứng cứ để đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định bắt bị can để tạm giam và ra lệnh tạm giam. Vì biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn đặc biệt nên cũng không nên giao cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát được quyền ra lệnh bắt bị can để tạm giam và ra lệnh tạm giam mà chỉ nên giao thẩm quyền này cho Viện trưởng Viện kiểm sát. Chỉ trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát vắng mặt thì một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm mới được quyền ra lệnh bắt bị can để tạm giam và ra lệnh tạm giam. Trong giai đoạn hồ sơ vụ án chuyển Toà án chuẩn bị xét xử thì chỉ nên quy định cho Thẩm phán giữ chức vụ Chánh án Toà án các cấp và Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao được quyền ra lệnh bắt bị cáo để tạm giam và ra lệnh tạm giam. Tại phiên toà xét xử, thẩm quyền này thuộc về Hội đồng xét xử.

Nguồn: Tks.edu.vn

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].