Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Qua công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án hình sự, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, thực tiễn còn có những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạmkiến nghị khởi tố là bước đi đầu tiên của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong quá trình phát hiện, xử lý tội phạm. Để xác định tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có được các thông tin về tội phạm và dùng nó làm căn cứ để khởi tố, mở ra một giai đoạn tố tụng hình sự. Trong những căn cứ dùng để khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây gọi tắt là BLTTHS) thì có 3 căn cứ liên quan đến tố giác, tin báo, đó là: tố giác của công dân; tin báo của cơ quan tổ chức; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Trong những năm qua, thông qua công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án hình sự, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm sát ở các địa phương và công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn trong những năm qua, chúng tôi thấy còn có những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6218
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2, Điều 103 BLTTHS, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là 20 ngày và có thể kéo dài đến hai tháng. Trên thực tế có nhiều vụ việc tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không thể giải quyết được trong thời hạn hai tháng nên phải kéo dài dẫn đến vi phạm về thời hạn tố tụng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Cơ quan điều tra, làm mất lòng tin của nhân dân. Việc kéo dài thời hạn dẫn đến vi phạm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố thường tiến hành các hoạt động xác minh, điều tra một cách toàn diện và đầy đủ để xác định rõ ràng tội phạm và người phạm tội mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng chỉ cần xác định có dấu hiệu của tội phạm theo quy định tại Điều 100 BLTTHS là cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra. Khắc phục tình trạng vi phạm về thời hạn, đề nghị sửa đổi, bổ sung BLTTHS theo hướng tăng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến 6 tháng trong trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp.

Thứ hai, theo Điều 101 BLTTHS thì công dân là người tố giác tội phạm. Trên thực tế, đại đa số người tố giác tội phạm thường là người bị tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm hoặc các lợi ích khác, do vậy họ là người bị hại trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Chương 8 BLTTHS “Khởi tố vụ án hình sự” và quy định tại các Điều 51 “Người bị hại”, Điều 59 “Người bảo vệ quyền lợi của đương sự” thì người tố giác, người bị hại hoặc người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại không được đọc, ghi chép, sao chụp lại hồ sơ vụ án (hoặc vụ việc đang điều tra, xác minh trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố). Việc BLTTHS không cho phép người bị hại hoặc người bảo vệ quyền lợi của họ được tiếp xúc với hồ sơ vụ án (vụ việc) đã làm hạn chế đáng kể việc bảo vệ quyền lợi của người bị hại. Trên thực tế, có trường hợp Cơ quan điều tra đã không điều tra hoặc điều tra không đầy đủ các nội dung tố cáo của người bị hại dẫn đến việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, gây thiệt hại cho người bị hại. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung BLTTHS theo hướng, nếu người tố giác tội phạm là người bị hại thì Cơ quan điều tra ra quyết định công nhận người bị hại và họ được hưởng các quyền của người bị hại quy định tại Điều 51 BLTTHS; đồng thời quy định họ hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền được tiếp xúc với hồ sơ ngay trong giai đoạn giải quyết tố giác tội phạm.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 109 BLTTHS, trong trường hợp không đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, cá nhân đã tố giác có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố, thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định tại Chương 35 BLTTHS. Theo quy định tại Chương 35 BLTTHS về khiếu nại tố cáo trong tố tụng hình sự, tại các Điều 325, 328, 329, quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thời hạn khiếu nại là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định hoặc hành vi tố tụng mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật. Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra do Thủ trưởng cơ quan điều tra giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện Kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện Kiểm sát cùng cấp phải xem xét giải quyết. Viện Kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Quy định như trên của BLTTHS đã hạn chế quyền khiếu nại, tố cáo của người tố giác (bị hại) trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói riêng và trong toàn bộ quá trình tố tụng hình sự nói chung, hạn chế quyền được bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Cụ thể, việc quy định thời hạn khiếu nại mười lăm ngày đã làm giảm bớt khả năng khiếu nại của người bị hại đối với quyết định, hành vi tố tụng của người có thẩm quyền giải quyết vụ án. Bởi vì, có những lý do (ngoài những lý do quy định tại khoản 2, Điều 328), người bị hại chưa thể khiếu nại được trong thời hạn trên.

Tiếp theo, việc quy định Viện Kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng đối với khiếu nại về quyết định, hành vi vi phạm tố tụng của Điều tra viên, Phó thủ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra là không hợp lý, hạn chế quyền đấu tranh đòi công lý của người bị hại. Ví dụ, khi người bị hại tố giác hành vi phạm tội, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; người bị hại khiếu nại quyết định đó đến Thủ trưởng cơ quan điều tra, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án hình sự, người bị hại tiếp tục khiếu nại đến Viện Kiểm sát cùng cấp, Viện Kiểm sát cùng cấp đồng ý với quyết định không khởi tố đó. Đến đây, việc khiếu nại phải chấm dứt vì quyết định giải quyết của Viện Kiểm sát có thẩm quyền giải quyết cuối cùng. Như vậy, mặc dù không đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án của Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra thì trong trường hợp này, người tố giác (bị hại) cũng không có quyền khiếu nại đến cấp có thẩm quyền cao hơn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Theo quy định tại Chương II Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 thì Nhà nước đã mở rộng và bảo đảm cho quyền, lợi ích hợp pháp của con người, của công dân trong mọi lĩnh vực của đời sống. Do vậy, theo chúng tôi, cần phải sửa đổi BLTTHS theo hướng bỏ quy định về thời hiệu khiếu nại (mười lăm ngày), hoặc có thể tăng thời hiệu khiếu nại lên để bảo đảm quyền khiếu nại cho công dân không bị quá hạn chế về mặt thời gian. Tiếp theo, cần quy định đối với việc tố giác, tố cáo tội phạm, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát, người tố giác có quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn hoặc đến Tòa án để giải quyết. Như vậy mới bảo đảm một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, công dân theo quy định của Hiến pháp mới.

(Nguồn: csnd.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:

  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Chi nhánh Tây Hà Nội:Tầng 9, tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
  3. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  4. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
  5. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].