Hoàn thiện quy định về đương sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), thuật ngữ đương sự được nêu trong nhiều điều luật nhưng lại không được giải thích rõ và giới hạn nó gồm những chủ thể (người tham gia tố tụng) nào. Điều này đã gây khó khăn cho việc áp dụng Bộ luật trong thực tiễn.

Thứ nhất, bổ sung vào BLTTHS khái niệm về đương sự như sau:“Điều 51a. Đương sự trong tố tụng hình sự:Đương sự trong TTHS là những người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tội phạm xảy ra, tham gia vào vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình hoặc chịu nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, nhưng không phải là người thực hiện hành vi phạm tội.Đương sự trong TTHS bao gồm: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Thứ hai, bên cạnh việc sử dụng thuật ngữ “đương sự” có phạm vi bao hàm “người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”, BLTTHS còn sử dụng thuật ngữ “người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” trong nhiều điều luật mà không dùng thuật ngữ “đương sự” để thay thế. Để thống nhất cách hiểu, cũng như giúp quy định của BLTTHS được logic, đề nghị thay cụm từ “người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” được quy định trong Bộ luật bằng thuật ngữ “đương sự”.

Thứ ba, thay thuật ngữ “đương sự” bằng cụm từ khác và bổ sung thêm chủ thể bên cạnh đương sự tại một số điều luật cho phù hợp.Như phân tích tại tiểu mục 1.2 trên đây, thuật ngữ đương sự được quy định tại Điều 18; Khoản 1 Điều 142; Khoản 2 Điều 143; Khoản 3 Điều 146 BLTTHS là chưa nêu lên được những chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều luật tương ứng. Chẳng hạn, đối với quy định tại Điều 18, việc xét xử công khai nếu ảnh hưởng đến bí mật của bị cáo, người làm chứng thì những chủ thể này vẫn có quyền yêu cầu Tòa án xét xử kín chứ không chỉ riêng người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự mới được yêu cầu.Đối với quy định tại Khoản 1 Điều 142, Khoản 2 Điều 143 và Khoản 3 Điều 146 BLTTHS, thuật ngữ đương sự được quy định trong các điều luật này hoặc là: người bị áp dụng thủ tục khám người; người bị áp dụng thủ tục khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm; người bị áp dụng kê biên tài sản. Bởi vì, Khoản 1 Điều 140 BLTTHS quy định về căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm như sau: “Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã”. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 146 BLTTHS quy định về căn cứ kê biên tài sản: “Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, người bị áp dụng thủ tục khám người; khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm hoặc kê biên tài sản có thể bao gồm cả bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Cho nên, kiến nghị thay thuật ngữ “đương sự” tại Khoản 1 Điều 142 thành “người bị khám xét”; tại Khoản 2 Điều 143 thành “người bị khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm”; tại Khoản 3 Điều 146 thành “người bị kê biên tài sản”; đồng thời bổ sung vào đoạn 2 Điều 18 nội dung: “Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của bị cáo, đương sự, người làm chứng theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Việc hoàn thiện quy định về đương sự trong BLTTHS sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể và giúp cơ quan, người tiến hành tố tụng dễ dàng áp dụng trong thực tiễn; đồng thời, làm cho các quy định của BLTTHS được tương thích với nhau, bảo đảm tính logic trong toàn bộ quy định của Bộ luật.

(Nguồn: ThS. Thái Chí Bình - Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc, An Giang)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].