Loại trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ như sau: “Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm. Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Đây là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới được bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Nghiên cứu quy định này có thể thấy, trường hợp rủi ro được loại trừ TNHS phải thỏa mãn các điều kiện sau:

- Thiệt hại xảy ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường,… mà do việc nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới gây ra;

- Cá nhân, nhóm người nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới tuy đã tuân thủ đúng quy trình trong áp dụng, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa rủi ro nhưng thiệt hại vẫn cứ xảy ra;

Ngược lại, nếu người nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bắt buộc, không thực hiện đúng, đủ các biện pháp phòng ngừa rủi ro và thiệt hại đã xảy ra thì phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra, hiện pháp luật chưa quy định cụ thể, đó là, nếu cá nhân, nhóm người tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo mà không đăng ký, không báo cáo với cơ quan quản lý nhà nướcthẩm quyền về công trình nghiên cứu, thử nghiệm đó mà gây ra thiệt hại đáng kể cho xã hội, thì có được coi là rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm,… không? Xoay quanh vấn đề này, hiện có hai loại quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất: Người làm công tác người nghiên cứu phát minh, sáng chế,… nếu phải thử nghiệm thì cần phải báo cáo hay đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thông qua đó, việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình; thực hiện đúng, đầy đủ các giải pháp phòng ngừa rủi ro, nhằm tránh những thiệt hại xảy ra đến mức thấp nhất trong quá trình thử nghiệm. Do đó, với trường hợp có báo cáo, có đăng ký và được sự chấp thuận cho phép quá trình thử nghiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, mà có rủi ro xảy ra trên thực tế thì được loại trừ TNHS.

Quan điểm thứ hai: Thực tiễn cho thấy, nhiều phát minh, sáng chế của những nhà khoa học đi “chân đất”, họ là nông dân, thợ cơ khí là người trực tiếp lao động sản xuất, chính thực tiễn đã “dạy” họ sáng chế ra những máy móc, thiết bị đó.Ví dụ, thợ cơ khí ở Nghệ An mày mò lắp ghép một mô hình động cơ mà ông gọi là “trực thăng mini” để dùng vào việc phun thuốc trừ sâu, tham gia chữa cháy rừng; hoặc máy vớt lục bình, máy cày đa năng được sáng chế từ một nông dân bình thường. Nghĩa là, họ tự chủ động phát huy tính sáng tạo và cũng sẵn sàng chịu thiệt thòi, nếu thất bại. Do đó, để động viên khuyến khích khơi nguồn sự sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu phát minh, sáng chế,…mọi trường hợp dù không có đăng ký, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, mà xảy ra thiệt hại do rủi ro thì cũng được coi trường hợp miễn trừ TNHS. Hơn nữa, quy trình đăng ký, báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học phát minh, sáng chế rất phức tạp đòi hỏi nhiều loại giấy tờ mà với người nông dân, thợ cơ khí tuy rất nhiệt quyết, đam mê với sự sáng tạo, giàu kinh nghiệm nhưng lại thiếu bằng cấp, thậm chí không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng sản phẩm của họ chế tạo ra rất được người sử dụng đánh giá cao.

Theo quan điểm của người viết, đồng tình với quan điểm thứ nhất, vì trong điều kiện hiện nay, để tránh những rủi ro không đáng có xảy ra, cần thiết phải có sự quản lý, thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các công trình nghiên cứu khoa học, sáng chế,…Mà theo đó, Nhà nước chỉ yêu cầu tác giả, nhóm tác giả đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đối tượng, phạm vi, nội dung nghiên cứu phát minh, sáng chế và tính ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, hoạt động nàyhoàn toàn không ảnh hưởng đến tính tự do nghiên cứu, sáng tạo của người nghiên cứu, mà còn giúp công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương được tốt hơn, mà còn giúp chủ thể liên quan thực thi pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nếu thành công. Tuy nhiên, đây chỉ là những quan điểm cá nhân, để áp dụng pháp luật được thống nhất, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất nhận thức và đường lối xử lý nếu rủi ro xảy ra trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới.

Nguồn trích dẫn: Phạm Thị Hồng Đào (www.moj.gov.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].