Những ai có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật?

Người có quyền khiếu nại được quy định tại điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018)

Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, có quyền đề nghị người có thẩm quyền giải quyết, xem xét lại các quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng và/ hoặc người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lý theo điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về người có quyền khiếu nại

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI cùa Bộ luật này.”

Thứ nhất về hoạt động tố tụng hình sự

Hoạt động tố tụng hình sự là một dạng hoạt động của Nhà nước, do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhằm mục đích giải quyết trách nhiệm hình sự của người phạm tội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ các quyền hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, khôi phục lại các quan hệ xã hội đã bị tội phạm xâm hại, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm làm hậu thuẫn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động tố tụng hình sự bao gồm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tham gia vào các hoạt động tố tụng bao gồm các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; người tiến hành tố tụng bao gồm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký phiên tòa; người tham gia tố tụng bao gồm bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, người bị kết án, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án, người làm chứng, người phiên dịch, người giám định.

Ngoài ra, pháp luật tố tụng hình sự còn quy định các tổ chức quần chúng là thành viên Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan nhà nước khác cũng có vai trò kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tố tụng, hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, bảo đảm cho hoạt động tố tụng được tiến hành đúng pháp luật, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được tôn trọng và bảo vệ.

Hoạt động tố tụng được tiến hành trong một khoảng thời gian dài (có khi kéo dài tới nhiều năm), trên những địa bàn rộng lớn (có thể tiến hành ở cả nước ngoài).

Xuất phát từ nguyên tắc dân chủ, từ trước tới nay pháp luật tố tụng hình sự của nước ta luôn có các quy định về quyền khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi tố tụng và hoạt động tố tụng mà họ cho là trái pháp luật.

Điều 24 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 với tên gọi "Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng" quy định: "Công dân có quyền khiếu nại và tố cáo những việc làm trái pháp luật của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án hoặc bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó; Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét và giải quyết nhanh chóng các khiếu nại và tố cáo, thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và tố cáo biết và có biện pháp khắc phục; cơ quan đã làm oan phải khôi phục lại danh dự, quyền lợi và bồi thường cho người bị thiệt hại. Cá nhân có hành vi trái pháp luật thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thứ hai về căn cứ khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Căn cứ để khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

Các quyết định có thể bị khiếu nại là Các quyết định dọ Cơ quan tiến hành tố tụng ban hành, áp dụng trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng thể hiện bằng văn bản như quyết định khởi tố bị can, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong tố tụng, quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra, quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hỏi cung, lấy lời khai, khám nhà, khám người, tịch thu tang vật hoặc bưu phẩm, bưu kiện... Quyết định, hành vi trái pháp luật là các quyết định và hành vi được ban hành, áp dụng, thực hiện không theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản giải thích, hướng dẫn khác của các cơ quan tiến hành tố tụng như thông tư của ngành, thông tư liên ngành... Các quyết định và hành vi trái pháp luật đó đã xâm phạm hoặc có khả năng thực tế xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Ví dụ: quyết định khởi tố bị can đối với người không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể dẫn tới người đó bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng và xét xử; khám nhà khi không có mặt của chủ nhà, đại diện của chính quyền địa phương hoặc không có sự chứng kiến của người láng giềng... có thể làm cho việc khám nhà không được khách quan gây thiệt hại cho chủ nhà hoặc người khác.

Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này. Đây là quy định được bổ sung chi tiết hơn so với Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

Khuyến nghị:

1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected].