Quy định pháp luật về cố ý phạm tội

Lỗi là một trong 4 yếu tố được đưa ra để xem xét đánh giá một hành vi đã xảy ra có phải là tội phạm hay không, nếu có thì mức độ như thế nào. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu, phân loại các bản dạng lỗi đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Lỗi bao gồm có lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trong đó lỗi cố ý phạm tội bao gồm lỗi cố ý trực tiếpcố ý gián tiếp.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về lỗi cố ý phạm tội được quy định ở Điều 10, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2015. Cụ thể:

“Điều 10. Cố ý phạm tội: Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:(1). Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;(2). Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Về đặc điểm lỗi cố ý trực tiếp.

Lỗi cố ý trược tiếp được xác định dựa trên mức độ nhận thức của người thực hiện hành vi. Trong các loại lỗi thì lỗi cố ý trực tiếp thể hiện sự nhận thức và mức độ quyết tâm cao nhất của người thực hiện.
Sự nhận thức được thể hiện dưới ba phương diện khác nhau:

(i) Thứ nhất đó là nhận thức được mức độ nguy hiểm, nghĩa là người phạm tội nhận diện được hành vi mà mình đang hoặc sắp thực hiện sẽ gây ra nguy hiểm cho xã hội, sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ nếu hành vi được thực hiện là nó sẽ xâm phạm đến một đối tượng cụ thể nào đó.

(ii) Thứ hai nhận thức được hậu quả, người thực hiện hành vi bên cạnh nhận diện được mức độ nguy hiểm thì họ còn thấy được hậu của nó như thế nào, dự liệu được một cách chính xác và đúng đắn những hậu quả mà hành vi mang lại và không có việc người thực hiện hành vi sẽ mơ hồ, không xác định được hậu quả là gì, khi trong suy nghĩ người phạm tội nghĩ về một hành vi mà họ sẽ thực hiện thì đồng thời họ cũng đã thấy trước được hậu quả xảy ra, hai vấn đề này tiếp diễn liên tục, liền kề nhau và nhiều trường hợp thậm chí người phạm tội nghĩ đến hậu quả trước và tìm cách thực hiện hành vi tương ứng để hậu quả xảy ra như mong muốn.

(iii) Thứ ba là nói đến tính quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng của người phạm tội “mong muốn hậu quả đó xảy ra”, sự mong muốn này biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng các đặc điểm như: không chấm dứt hành vi, thực hiện hành vi cho đến khi nào hậu quả xảy ra hay nói cách khác hậu quả chính là mục đích cuối cùng. Như vậy trong chuỗi nhận thức của người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp chính là biểu hiện của ý chí và quyết tâm cao nhất trong các loại lỗi, đi từ suy nghĩ và hiện thực hóa đến hành động.

Về đặc điểm lỗi cố ý gián tiếp

Sự khác biệt cơ bản giữa lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp được thể hiện ở khía cạnh tâm lý người phạm tội.

Hai loại lỗi này các chủ thể đều nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, đều nhận thức được hậu quả mà hành vi mang lại. Tuy nhiên với lỗi cố ý gián tiếp thì cần phải khẳng định, người phạm tội không hề mong muốn hậu quả đó xảy ra trên thực tế hay nói cách khác hậu quả không nằm trong kế hoạch hành động của họ.

Việc hậu quả có xảy ra hay không không phải là đích đến cuối cùng. Sự bỏ mặc thể hiển ở việc người phạm tội không quan tâm, hậu quả xảy ra cũng được hoặc không xảy ra cũng được. Mục đích của người phạm tội đã có thể đạt được ở giai đoạn trước đó hoặc thực hiện hành vi nhưng lại hướng đến một mục đích khác.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].