Cấu thành tội làm sai lệch kết quả bầu cử

Tội làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi của người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử đã giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác làm sai lệch kết quả bầu cử.

Điều 127 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội làm sai lệch kết quả bầu cử như sau: “1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1.Về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên đối với tội làm sai lệch kết quả bầu cử chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, còn người dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này cả khoản 1và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng.

Người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử là người được giao nhiệm vụ tổ chức việc bầu cử như: Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử; Trưởng ban, Phó trưởng ban giám sát bầu cử; uỷ viên Uỷ ban bầu cử; nhân viên giúp việc trong ban bầu cử, tổ bầu cử... Nói chung, những người được giao nhiệm vụ trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử và do có trách nhiệm này nên mới làm sai lệch được kết quả bầu cử.

2. Về mặt khách thể của tội phạm

Vấn đề xác định khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử còn những ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi việc xác định khách thể của tội phạm chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận và có ý nghĩa trực tiếp đối với việc cơ cấu Bộ luật hình sự trong quá trình soạn thảo, thông qua, mà không làm thay đổi đặc điểm của tội phạm cũng như các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử gây ra, chúng tôi thấy khách thể của tội làm sai lệch kết quả bầu cử cũng chính là quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân, bởi lẽ, suy cho đến cùng thì hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử đã gián tiếp xâm phạm đến quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân.

Đối tượng tác động của tội phạm này là kết quả bầu cử, kết quả này có thể được ghi nhận trong một biên bản, một báo cáo, một danh sách hoặc được lưu trong máy tính...

3.Về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Để thực hiện hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử, người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

- Giả mạo giấy tờ để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi làm phiếu bầu cử giả hoặc dùng phiếu bầu cử giả, sửa chữa kết quả bầu cử trên các phiếu bầu, thêm hoặc bớt phiếu bầu cử với mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử theo ý mình. Ví dụ: Tần Văn K là Trưởng ban kiểm phiếu kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân huyện T.H đã sửa chữa kết quả bầu cử trong biên bản kiểm phiếu để bà Trần Thị Hồng H không trúng cử, vì giữa bà H với K có mâu thuẫn.

- Gian lận phiếu để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi dối trá trong việc thêm, bớt phiếu bầu đẫn đến kết quả bầu cử không chính xác như: Thêm phiếu trúng cử cho người mà mình quan tâm hoặc bớt phiếu trúng cử đối với người mà mình không muốn trúng cử. Ví dụ: Hồ Anh D là thành viên trong Ban kiểm phiếu vì không muốn cho ông Võ Thành L trúng cử nên đã rút bớt phiếu trúng cử của ông Võ Thành L trước khi bắt đầu kiểm phiếu.

- Dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi ngoài hành vi giả mạo giấy tờ hoặc gian lận phiếu nhưng cũng làm sai lệch kết qủa bầu cử. Đây là quy định mở, nhằm đề phòng những trường hợp không phải là giả mạo giấy tờ hoặc gian lần phiếu bầu nhưng vẫn làm sai lệch kết quả bầu cử.

b. Hậu quả

Hậu quả của tội làm sai lệch kết quả bầu cử là những thiệt hại do hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác gây ra, mà trước hết là kết quả bầu cử bị sai lệch, không đúng với kết quả thực. Ngoài ra, còn gây ra những thiệt hại khác về vật chất hoặc phi vật chất.

Theo quy định của điều văn của điều luật, thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm này, vì chỉ cần người phạm tội đã có hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử là tội phạm đã hoàn thành. Việc kết quả bầu cử có bị làm sai lệch hay không chỉ có ý nghĩa đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt.

4. Về mặt chủ quan của tội phạm

Tội làm sai lệch kết quả bầu cử thực hiện do cố ý (cố ý phạm tội), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xẩy ra.

Nói chung, người phạm tội làm sai lệch kết quả bầu cử thực hiện hành vi của mình do cố ý trực tiếp (hình thức lỗi cố ý thứ nhất), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội chỉ nhận thức được hành vi là trái pháp luật, có thể thấy trước hậu quả của hành vi, không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xẩy ra (hình thức lỗi cố ý gián tiếp).

Người phạm tội làm sai lệch kết quả bầu cử có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn hoặc bỏ mặc kết quả bầu cử bị làm sai lệch. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người mong sai lệch nhiều có người chỉ mong sai lệch một phiếu để người mà mình quan tâm trúng cử.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].