Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ.
Phiên tòa công bằng là phiên tòa mà ở đó quyền của các bên tham gia tố tụng được đảm bảo và đúng trình tự, thủ tục luật định.
Quy định của pháp luật về nguyên tắc tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai trong tố tụng hình sự
Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nguyên tắc tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai trong tố tụng hình sự:
‘‘Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".
Bình luận về nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2005 quy định nguyên tắc Xét xử công khai. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung mới vào nguyên tắc này: Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai.
Nguyên tắc này cụ thể hóa nguyên tắc quyền được xét xử công bằng (right to a fair trial) trong pháp luật quốc tế. Đây là quyền cơ bản của con người quy định trong Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị 1966. Điều 10, Công ước này quy định: Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ.
Thứ hai, trước hết nguyên tắc trên đòi hỏi Tòa án phải xét xử không quá mức chậm trễ bởi vì “Công lý chậm trễ, đồng nghĩa không có công lý” (Pascal- luật gia La mã). Chính vì vậy, Tòa án phải xét xử kịp thời điểm đàm bảo yêu cầu bị cáo được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý không chỉ liên quan đến khoảng thời gian từ khi bị cáo buộc đến khi mở phiên tòa, mà còn đến thời gian xét xử tại tòa và thời gian giữa hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tất cà đều không được trì hoãn quá lâu.
Xét xử kịp thời không chậm trễ nhằm đảm bảo quyền con người của những người bị buộc tội. Bởi lẽ, khi bị đưa vào vòng quay tố tụng với tư cách bị can, bị cáo, những người này có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự như tạm giữ, tạm giam, cấm đi khởi nơi cứ trú và bị hạn chế một số quyền trong khi họ chưa bị coi là có tội thì tính thân của nguyên tắc suy đoán vô tội. Chính vì vậy, xét xử kịp thời, tòa án sẽ nhanh chóng đưa ra phán quyết trong nhiều trường hợp tòa tuyên họ vô tội, trả tự do và khôi phục quyên lợi cho họ.
Thứ ba, nguyên tắc này đòi hỏi tòa án xét xử công bằng. Thể hiện, người bị buộc tội phải được xét xử bởi một phiên tòa mà ở đó họ được thực hiện các quyền của mình trong tố tụng hình sự mà Hiến pháp và pháp luật quy định như: Được thông báo về phiên tòa, được biết mình bị xét xử về tội gì, được bào chữa hay nhờ người bào chữa, được tranh luận tại phiên tòa, đưa ra các chứng cứ và yêu cầu. Phiên tòa công bằng là phiên tòa mà ở đó quyền của các bên tham gia tố tụng được đảm bảo và đúng trình tự, thủ tục luật định.
Thứ tư, việc xét xử công khai, một mặt bảo đảm cho nhân dân có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của Tòa án, và mặt khác phát huy được tính giáo dục chính trị - pháp lý và tác dụng phòng ngừa của hoạt động xét xử. Việc xét xử công khai là một trong những bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình, đối với việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật.
Phiên tòa xét xử của Tòa án được tiến hành một cách công khai, mọi ngựời đạt độ tuổi nhất định (từ 16 trở lên) có quyền tham dự phiên tòa xét xử. Phiên tòa xét xử có thể được tiến hành tại phòng xét xử trong trụ sở của Tòa án, nhưng cũng có thể được xét xử lưu động tại nơi xảy ra việc phạm tội hoặc nơi cư trú cùa bị cáo nếu xét thấy cần thiết.
Nội dung phiên tòa, thời gian, địa điểm mở phiên tòa phải được niêm yết công khai trước khi xét xử, kết quả xét xử tại phiên tòa có thể được công bố trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng khác cho mọi người biết.
Việc xét xử kín chỉ được tiến hành trong trường hợp đặc biệt. Đó là trường hợp cần giữ bí mật Nhà nước (một số tội phạm liên quan đên bí mật Nhà nước); trường hợp cần giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc (một so tội phạm về tình dục, tội phạm mà bị cáo là người chưa thành niên); trường hợp cần giữ bí mật của đương sự (một số tội phạm liên quan đên bí mật đời tư của những người tham gia vụ án).
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận