Những vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp tạm giam

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 đã có những quy định tương đối đầy đủ về biện pháp ngăn chặn tạm giam. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài được áp dụng, một số quy định của BLTHS 2003 về tạm giam đã không còn phù hợp và xuất hiện nhiều vướng mắc.

1. Vướng mắc trong căn cứ tạm giam đối với bị can, bị cáo chưa thành niên quy định tại khoản 2 Điều 303 BLTTHS 2003

Khoản 2 Điều 303 BLTTHS 2003 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các Điều 80, 81, 82, 86, 88 và Điều 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”. Như vậy, trường hợp người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý thì không thể áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ vì bất cứ lí do gì.

Trên thực tế, số người vị thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ngày càng gia tăng, các đối tượng này chủ yếu phạm những tội ít nghiêm trọng; nhiều trường hợp bị can, bị cáo từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng được tại ngoại đã bỏ trốn nhiều lần và bị bắt theo lệnh truy nã, khi CQĐT, Tòa án trao đổi để áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ thì VKS không biết xử lí như thế nào, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 303 BLTTHS thì không có căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

2. Vướng mắc trong quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam

Khoản 3 Điều 88 BLTTHS 2003 quy định: “Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện Kiểm sát (VKS) cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành”. Đối chiếu qua quy định tại khoản 1 Điều 80 cho thấy ở giai đoạn điều tra Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp có quyền ra lệnh tạm giam, tuy nhiên lệnh tạm giam đó phải được VKS phê chuẩn trước khi thi hành. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, việc quyết định, hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giam; quyết định việc gia hạn tạm giam cũng đều thuộc thẩm quyền của VKS, CQĐT chỉ có quyền đề nghị.

Như vậy, việc quy định cho CQĐT thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam ở giai đoạn điều tra chỉ mang tính hình thức, còn trên thực tế việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ biện pháp tạm giam do VKS quyết định.

3. Về trách nhiệm của người đề xuất, người ra lệnh và người phê chuẩn lệnh tạm giam

Có thể hiểu rằng, quan hệ giữa Thủ trưởng CQĐT và Điều tra viên là quan hệ chỉ huy phục tùng. Sau khi khởi tố vụ án, Thủ trưởng CQĐT có thể trực tiếp tiến hành điều tra hoặc quyết định phân công cho Điều tra viên điều tra vụ án. Khi được phân công điều tra, Điều tra viên có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do BLTTHS quy định, còn việc áp dụng biện pháp tạm giam điều tra viên chỉ có quyền đề xuất. Thủ trưởng CQĐT kí lệnh tạm giam và VKS phê chuẩn. Trong trường hợp việc tạm giam là trái pháp luật thì ai là người phải chịu trách nhiệm: Điều tra viên, Thủ trưởng CQĐT? Nếu việc tạm giam sau đó lại được VKS phê chuẩn thì người phê chuẩn đó có phải chịu trách nhiệm không?

Trên thực tế, lệnh tạm giam cần phải có sự phê chuẩn của VKS thường được phê chuẩn cùng ngày ra lệnh, nhưng vẫn có những trường hợp phê chuẩn sau ngày bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Theo quy định tại khoản 3 Điều 88 BLTTHS, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn, hồ sơ và tài liệu liên quan đến việc tạm giam, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Với vụ án đơn giản, tài liệu không nhiều thì VKS có thể xem xét phê chuẩn ngay trong ngày. Song trên thực tế không ít vụ việc phức tạp, nhiều tài liệu hồ sơ, đòi hỏi VKS phải có thời gian nghiên cứu để xem xét có phê chuẩn hay không. Ngoài ra, không loại trừ VKS vì lí do nào đó chậm trễ trong việc phê chuẩn dẫn đến bị can trốn, tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho công tác điều tra. Trong trường hợp đó VKS có phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ phê chuẩn hay không? Nếu có thì đó là trách nhiệm gì?

4. Những vi phạm pháp luật trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam

- Tình trạng tạm giam quá thời hạn.

Theo quy định của BLTTHS, thời hạn tạm giam được xác định cụ thể ở từng giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp tạm giam quá hạn, nhất là ở giai đoạn điều tra đối với một số vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và có nhiều bị can. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người bị tạm giam, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp tạm giam.

- Những vi phạm về chế độ tạm giam.

Do điều kiện trại giam nhiều nơi đang còn chật hẹp, tình hình tội phạm gia tăng, thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm về diện tích tối thiểu cho người bị tạm giam; công tác quản lí trại giam còn chưa tốt nên vẫn còn xảy ra tình trạng đánh nhau và bỏ trốn khỏi trại giam.

Nguồn: Moj.gov.vn

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].