Tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003

Tạm giữ được quy định tại điều 86 và điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Đây là một trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.

Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người bị bắt trốn tránh việc điều tra; để xác minh tội phạm và để quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự (khởi tố bị can) đối với họ.

Đối tượng có thể bị tạm giữ được quy định tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2003 bao gồm: Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang; người phạm tội tự thú, đầu thú; người bị bắt theo quyết định truy nã.

Thẩm quyền ra lệnh tạm giữ quy định tại khoản 2 Điều 86 BLTTHS 2003, theo đó, người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ gồm có: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng; Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thủ tục tạm giữ bao gồm: Quyết định tạm giữ; các công việc mà người thi hành quyết định tạm giữ phải thực hiện trước hoặc sau khi tạm giữ người. Quyết định của người có thẩm quyền phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải được giao cho người bị tạm giữ một bản. Người thi hành quyết định tạm giữ phải giải thích cho người bị tạm giữ các quyền và nghĩa vụ của họ. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ được quy định tại Điều 48 BLTTHS gồm các quyền: Được biết lý do mình bị tạm giữ; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ thực hiện các quy định về tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Để bảo đảm cho công tác kiểm sát giam giữ, tránh vi phạm quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, tại khoản 3 Điều 86 của BLTTHS năm 2003 đã quy định: Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Khi ra quyết định tạm giữ, nếu người bị tạm giữ có con chưa thành niên dưới 14 tuổi và thân nhân là người tàn tật, già yếu không có người chăm sóc, thì cơ quan ra lệnh tạm giữ phải giao những người đó cho người thân thích hoặc cho chính quyền địa phương chăm sóc. Trong trường hợp người bị tạm giữ có nhà hoặc tài sản khác mà không có người trông nom, thì cơ quan ra lệnh tạm giữ phải áp dụng những biện pháp bảo quản thích đáng. Cơ quan ra lệnh tạm giữ phải thông báo cho người bị tạm giữ những biện pháp đã được áp dụng để chăm sóc con nhỏ, người thân già yếu, tàn tật và bảo quản nhà cửa, tài sản của người bị tạm giữ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS, thì thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày đêm, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Việc BLTTHS quy định thời hạn tạm giữ là số ngày cụ thể (không quá ba ngày đêm), theo chúng tôi là chưa chính xác vì không phải mọi trường hợp người bị bắt đều có thể được giải ngay đến Cơ quan điều tra. Ví dụ: Bắt người ở trên máy bay, ở đồn biên phòng trên biên giới, ở ngoài hải đảo.v.v. Vậy thời hạn tạm giữ theo lệnh của người chỉ huy đơn vị bộ đội độc lập cấp Trung đoàn và tương đương, người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng là bao nhiêu? Thời hạn tạm giữ trong các trường hợp này chưa được luật quy định. Nên chăng, trong những trường hợp này thời hạn tạm giữ phải được tính bằng một cách đặc biệt nào đó cho phù hợp. Trong những trường hợp này, việc đặt cố định cho thời hạn tạm giữ là không hợp lý vì các hoàn cảnh đặc biệt của việc bắt giữ.

Việc gia hạn tạm giữ được quy định tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS. Theo quy định trên, chỉ có thể gia hạn tạm giữ hai lần, thời hạn gia hạn không quá ba ngày. Tổng thời hạn có thể tạm giữ một người theo quy định của BLTTHS không quá chín ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Không phải trường hợp nào cũng được gia hạn tạm giữ mà chỉ trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ một lần và trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ mới có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai. Luật không giải thích khái niệm thế nào là trường hợp cần thiết và trường hợp đặc biệt. Theo chúng tôi căn cứ để gia hạn tạm giữ có thể là: Sự cần thiết phải có thêm thời gian để xác minh căn cước, lai lịch của người bị tạm giữ; hành vi phạm tội nghiêm trọng, phức tạp; khi xét cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội trốn. Nếu không gia hạn tạm giữ, người đó sẽ trốn hoặc có hành động cản trở việc điều tra làm rõ sự việc.

Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ. Tức là việc tạm giữ không nhất thiết phải kéo dài cho đến ngày hết hạn tạm giữ mà có thể trả tự do cho người bị tạm giữ trước ngày hết hạn tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ đối với người phạm tội được áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 2 Điều 322 BLTTHS là không được quá ba ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Những vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn là những vụ án do Viện kiểm sát quyết định áp dụng thủ tục rút gọn theo đề nghị của Cơ quan điều tra khi có đủ các điều kiện sau đây: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng và người phạm tội có lai lịch rõ ràng.

Nguồn: Tạp chí kiểm sát số 1/2006

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].