Thế nào là đồng phạm?

Tội phạm có thể chỉ do một người thực hiện nhưng cũng có thể do nhiều người cùng gây ra. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Đồng phạm bao gồm có 04 loại người: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về đồng phạm như sau: “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. 2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. 3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Như vậy, đồng phạm đòi hỏi những dấu hiệu sau:

- Về mặt khách quan:
Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai ngưởi và hai người này phải có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Đó là điều kiện có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Những người này phải cùng thực hiện tội phạm. nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi: hành vi thực hiện tội phạm (được mô tả trong cấu thành tội phạm) – người thực hiện hành vi này được gọi là người thực hành; hành vi tổ chức thực hiện tội phạm – người có hành vi này là người tổ chức; hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm – người có hành vi này được gọi là người xúi giục; hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm – người có hành vi này được gọi là người giúp sức. Những hành vi đó được thực hiện trong mối liên kết thống nhất với nhau. Hành vi của mỗi người là điều kiện hỗ trợ cho sự hoạt động chung, và đều có mối quan hệ nhân quả với hậu quả của tội phạm.

- Về mặt chủ quan.
Đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Và đối với những tội phạm đòi hỏi dấu hiệu mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện phải có cùng mục đích phạm tội đó. Khi thực hiện hành vi phạm tội, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi của mình mà còn biết và mong muốn sự cố ý tham gia của những người đồng phạm khác. Về lý trí, mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện, và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh.

Ngoài ra, đồng phạm còn đòi hỏi dấu hiệu cùng mục đích trong trường hợp đồng phạm trong trường hợp đồng phạm những tội có mục đích là dấu hiệu bắt buộc. Ví dụ: Đồng phạm tội phản bội Tổ quốc. Như vậy, trường hợp đồng phạm được coi là có cùng mục đích khi những người tham gia đều có chung mục đích được phản ánh trong cấu thành tội phạm hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó.

Từ quy định của pháp luật có thể thấy có 4 loại người đồng phạm:
- Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm;
- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm;
- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm;
- Người giúp sức là người tạo ra điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].