Thế nào là tội buôn lậu?

Tội buôn lậu được quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội buôn lậu như sau: “1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này; b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá; c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn; e) Thu lợi bất chính lớn; g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác; h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; k) Phạm tội nhiều lần; l) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn; c) Thu lợi bất chính rất lớn; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

1. Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý nội thương và ngoại thương.

2. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, tức là các cá nhân thoả mãn 02 dấu hiệu về độ tuổi (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên), và năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của “tội buôn lậu” được thể hiện ở hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, các vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa hoặc hàng cấm. Hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng nói trên của người phạm tội là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới như:

- Hành vi không khai báo thể hiện ở việc người buôn bán các mặt hàng kể trên qua biên giới nhưng không thực hiện nghĩa vụ khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chủng loại, số lượng theo đúng quy định, người phạm tội có thể bằng cử chỉ, lời nói từ chối thẳng thừng việc khai báo hoặc không chịu ghi vào tờ khai hải quan theo các mục của Hải quan yêu cầu…

- Khai báo gian dối là hành vi người buôn bán hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm qua biên giới quốc gia tuy có khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng sự khai báo đó không phù hợp với thực tế về số lượng, chủng loại nhằm đánh lừa các cơ quan đó.

- Giả mạo giấy tờ là việc người buôn bán các loại hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm qua biên giới quốc gia tuy có xuất trình giấy tờ nhưng đó là giấy tờ giả mạo.

- Hành vi trốn tránh sự kiểm soát của Hải quan hay các cơ quan quản lý cửa khẩu biểu hiện ở việc đi đường tắt qua biên giới, không qua trạm kiểm soát, lợi dụng sơ hở của lực lượng chống buôn lậu để đưa hàng hóa qua biên giới, tìm cách tẩu tán hàng hóa khi bị phát hiện.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm buôn lậu. Tội buôn lậu được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chuyển hàng hóa một cách trái phép qua biên giới Việt Nam.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là nhằm buôn bán kiếm lợi bất chính. Người phạm tội nhận thức rõ được rằng hành vi buôn lậu là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì muốn thu được lợi nhuận cao nên họ vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].