Thủ tục kháng cáo trong tố tụng hình sự

Kháng cáo là việc người có quyền yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án xét xử sơ thẩm xét xử lại bản án khi họ không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ nội dung bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, có 02 cấp xét xử một vụ án, gồm cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Sau khi xử sơ thẩm, nếu đương sự không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm thì có quyền chống án.

Thuật ngữ pháp lý gọi là “kháng cáo”, yêu cầu tòa cấp trên trực tiếp của Tòa sơ thẩm xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm. Dưới góc độ pháp luật, quyền kháng cáo được hiểu là chế định của pháp luật tố tụng hình sự bao gồm tổng thể các quy định về các chủ thể có quyền kháng cáo; thủ tục kháng cáo; thời hạn kháng cáo; kháng cáo quá hạn; thông báo về việc kháng cáo; hậu quả của việc kháng cáo; bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thứ nhất, quyền kháng cáo trong tố tụng hình sự.

Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyền kháng cáo của 06 nhóm chủ thể, bao gồm: (i) Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm; (ii) Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa;(iii) Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại; (iv) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; (v) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; (vi) Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Như vậy, những người tham gia tố tụng và người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lại ích hợp pháp của họ chỉ có quyền kháng cáo đối với phần bản án, quyết định liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình hoặc của người mình bảo vệ quyền và lợi ích.

Thứ hai, thời hạn kháng cáo trong tố tụng hình sự

Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thời hạn kháng cáo như sau: (i) Đối với bị cáo, đương sự có mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; (ii) Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật; (iii) Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

Thứ ba, cách xác định ngày kháng cáo trong tố tụng hình sự

Ngày kháng cáo trong tố tụng hình sự được xác định: (i) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi; (ii) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Lưu ý: Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn; (iii) Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn; (iv) Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.

Thứ tư, kháng cáo quá hạn trong tố tụng hình sự

Kháng cáo quá hạn được quy định tại Điều 335 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: (i) Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định; (ii) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm; (iii) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định; (iv) Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn; (v) Quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn được gửi cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm.Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm.

Thứ năm, nội dung đơn kháng cáo trong tố tụng hình sự.

Theo quy định tại Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đơn kháng cáo phải bao gồm những nội dung sau: (i) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; (ii) Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo; (iii) Lý do và yêu cầu của người kháng cáo; (iv) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

Thứ sáu, hướng dẫn viết đơn kháng cáo trong tố tụng hình sự.

Điền thông tin trong đơn kháng cáo trong tố tụng hình sự:

(i) Ghi tên Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án. Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện Y, tỉnhX ); Nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội). Lưu ý: Cần ghi địa chỉ cụ thể của Toà án (nếu đơn kháng cáo được gửi qua bưu điện);

(ii) Thông tin của người kháng cáo:Ghi rõ thông tin về họ tên, năm sinh, địa chỉ nơi cư trú nếu người kháng cáo là cá nhân. Đối với người kháng cáo là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên, địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó và ghi họ và tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó.

(iii) Ghi tư cách pháp lý của người kháng cáo, thông tin của bản án và Tòa án đã xét xử sơ thẩm.Đơn kháng cáo phải ghi rõ tư cách pháp lý của người kháng cáo trong vụ án gì. Ví dụ: ghi rõ là Người bị hại trong vụ án hình sự "Trộm cắp tài sản".

Trường hợp kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật thì ghi kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, vụ án gì, ngày, tháng, năm của bản án và Tòa án đã xét xử sơ thẩm. Ví dụ; Kháng cáo toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm vụ án “Trộm cắp tài sản” ngày x/y/z của Tòa án nhân dân huyện H tỉnh T.Trường hợp kháng cáo một phần bản án thì ghi rõ kháng cáo phần nào của bản án, ví dụ: kháng cáo phần bồi thường thiệt hại của Bản án hình sự sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” ngày x/y/z của Tòa án nhân dân huyện H tỉnh T.

(iv) Ghi căn cứ kháng cáo: Căn cứ kháng cáo là lý do kháng cáo, căn cứ kháng cáo của mỗi người trong các trường hợp khác nhau là khác nhau. Căn cứ kháng cáo có thể là: Kết luận trong bản án, quyết định sơ thẩm không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã được điều tra, xác minh tại phiên tòa, không phản ánh đúng đắn bản chất của việc phạm tội.

(v) Nêu cụ thể từng vấn đề mà người kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết, ví dụ: Yêu cầu giảm mức hình phạt, yêu cầu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại.

(vi) Trường hợp có các tài liệu, chứng cứ bổ sung thì phải ghi đầy đủ tên các tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo.

(v) Ký tên người kháng cáo: Trường hợp người kháng cáo là cá nhân, thì phải ký tên hoặc điểm chỉ và ghi rõ họ và tên của người kháng cáo đó; Trường hợp người kháng cáo là cơ quan, tổ chức kháng cáo, thì người đại điện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức kháng cáo ký tên, ghi rõ họ và tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thứ bảy, thủ tục kháng cáo trong tố tụng hình sự.

Trình tự, thủ tục kháng cáo được thực hiện như sau:

(i) Người kháng cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn kháng cáo theo quy định của pháp luật;

(ii) Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo;

(iii) Trường hợp người kháng cáo trình bày trự tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo.

Thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài tư vấn pháp luật hình sự được các luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected].