Tính độc lập của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự

Tính độc lập của Kiểm sát viên chỉ là sự độc lập tương đối, bởi lẽ, nó luôn nằm trong mối quan hệ quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp.

Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, Kiểm sát viên được quyền thực hiện tất cả những công việc thuộc thẩm quyền của mình được quy định tại Điều 37 BLTTHS 2003 mà không cần phải xin ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Điều này thể hiện rõ tính độc lập của Kiểm sát viên khi tham gia việc giải quyết vụ án hình sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên phải thường xuyên báo cáo tình hình, tiến độ giải quyết vụ án với lãnh đạo Viện và tham mưu cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng ban hành các lệnh, quyết định thuộc thẩm quyền của họ. Hay nói cách khác, Kiểm sát viên sử dụng những thẩm quyền mà BLTTHS giao cho mình để thực hiện những lệnh, quyết định của lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Như vậy, tính độc lập của Kiểm sát viên chỉ là sự độc lập tương đối, bởi lẽ, nó luôn nằm trong mối quan hệ quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên chỉ sử dụng thẩm quyền của mình để thực hiện ý chí, quan điểm giải quyết vụ án của Viện trưởng, Phó Viện trưởng thông qua các lệnh, quyết định. Tuy nhiên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng lại không phải là người trực tiếp bám sát quá trình giải quyết vụ án, việc ra các lệnh, quyết định của họ chỉ dựa trên sự báo cáo, tham mưu của Kiểm sát viên điều này có thể dẫn đến những tình trạng như:

Thứ nhất, Kiểm sát viên là người trực tiếp tham gia giải quyết vụ án nên là người nắm rõ các tình tiết và những yêu cầu sát thực nhất trong việc giải quyết vụ án. Thế nhưng, Kiểm sát viên lại không được quyền ban hành các lệnh, quyết định tố tụng mà là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát điều này dẫn đến việc ra các lệnh, quyết định tố tụng có lúc không được kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Thứ hai, điều này có thể dẫn đến tình trạng trách nhiệm không rõ ràng giữa chủ thể ban hành lệnh, quyết định với chủ thể thực hiện các lệnh, quyết định đó.

Thứ ba, không đề cao được vai trò, trách nhiệm, tính độc lập của Kiểm sát viên khi được phân công tiến hành tố tụng.

Để khắc phục được tình trạng này, Bộ luật Tố tụng Hình sự cần phải sửa đổi theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp (hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân) với thẩm quyền tố tụng để tăng cường tính độc lập của Kiểm sát viên khi tham gia giải quyết vụ án. Cụ thể là:

- Đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nên tập trung vào nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành như: phân công, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra các hoạt động tố tụng của Kiểm sát viên; kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án; thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Kiểm sát viên; quyết định việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, quyết định việc truy tố, quyết định đình chỉ vụ án…

- Đối với Kiểm sát viên cần mạnh dạn tăng thẩm quyền cho họ để nâng cao tính độc lập, tính trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án. Có ý kiến cho rằng, việc tăng thẩm quyền cho Kiểm sát viên phải dựa trên tiêu chí năng lực của đội ngũ Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân.

Bởi lẽ, hiện nay năng lực, trình độ của đội ngũ Kiểm sát viên không đồng đều nếu tăng thẩm quyền một cách rộng rãi, cào bằng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động tố tụng. Theo Tiến sĩ, Đỗ Văn Đương (UBTP của Quốc hội) thì:
Kiểm sát viên sơ cấp chỉ được thực hiện một số hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử theo sự phân công của KSV trung cấp, KSV cao cấp; Kiểm sát viên trung cấp trở lên mới được phân công thụ lý chính vụ án, có quyền phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ; gia hạn điều tra vụ án; áp dụng các biện pháp ngăn chặn trừ biện pháp tạm giam; yêu cầu khởi tố vụ án, yêu cầu khởi tố bị can hoặc trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can yêu cầu điều tra; quyết định trưng cầu giám định; cấp giấy chứng nhận người bào chữa; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; xử lý vật chứng. Kiểm sát viên cao cấp có quyền hạn như KSV trung cấp và giao thêm quyền tạm đình chỉ vụ án, phục hồi truy tố, chuyển vụ án để điều tra, truy tố theo thẩm quyền. Kiểm sát viên VKSNDTC sẽ chỉ còn khoảng 17 người, có quyền hạn tố tụng như Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS cấp tỉnh (Quyết định việc bắt, việc tạm giạm, việc truy tố, quyết định đình chi vụ án) đối với những vụ án do cấp trung ương thụ lý.

Đây là một quan điểm có tính khoa học và sát với tình trạng năng lực, trình độ của đội ngũ Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, đề xuất này không có tính khả thi cao. Bởi lẽ, nó không phù hợp với tổ chức bộ máy và bố trí đội ngũ cán bộ của ngành Kiểm sát. Hiện nay, ở Viện kiểm sát cấp huyện biên chế Kiểm sát viên trung cấp là rất ít (chủ yếu là Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, bổ nhiệm theo tỷ lệ Kiểm sát viên của mỗi Viện kiểm sát). Vì vậy, nếu quy định như trên, trách nhiệm giải quyết các vụ án dồn vào đội ngũ lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên sơ cấp chỉ làm một số công việc được giao. Điều này làm giảm vai trò của Kiểm sát viên tại các Viện kiểm sát cấp huyện.

Vì vậy, chỉ khi nào biên chế ở mỗi cấp kiểm sát có tất cả các loại Kiểm sát viên (KSV sơ cấp, KSV trung cấp, KSV cao cấp) mới có thể thực hiện được ý kiến đề xuất trên mà điều đó là rất khó thực hiện. Chính vì vậy, tác giả đề xuất chỉ cần quy định chung theo hướng tăng cho Kiểm sát viên một số thẩm quyền tố tụng phù hợp với mặt bằng chung về năng lực, trình độ của đội ngũ Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân. Quy định như vậy vừa thể hiện được vị trí, vai trò của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự vừa làm giảm bớt gánh nặng cho lãnh đạo các cấp Kiểm sát.

(Nguồn: Thạc sĩ Phạm Xuân Khoa - Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].