Tội dụ dỗ, éo buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp

Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp được quy định tại Điều 252 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Điều 252 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp như sau: “1. Người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đoạ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Có tổ chức; b) Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người; c) Đối với trẻ e m dưới 13 tuổi; d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, thì còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm”.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp là hành vi rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi dục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực đối với người chưa đủ 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đọa hoặc chứa chấp người chưa đủ 18 tuổi phạm pháp.

1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm này xâm phạm đến trật tự xã hội, hoạt động phòng, chống tội phạm, đồng thời xâm phạm đến sự phát triển lành mạnh của người chưa thành niên.

2. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) và có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Mặt khách quan của tội phạm

Người chưa thành niên là những người chưa tròn 18 tuổi. Hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm các dạng hành vi sau:

- Hành vi dụ dỗ người chưa thành niên phạm pháp: là hành vi rủ rê, lôi kéo, kích động, xúi giục người chưa thành niên làm những việc trái pháp luật, nhưng chưa cấu thành tội phạm.

- Hành vi ép buộc người chưa thành niên phạm pháp: là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng các hình thức khác (như dọa nói với bố mẹ, tố cáo chính quyền về sai phạm nào đó của họ…) để buộc người chưa thành niên phải hoạt động phạm tội, sống sa đọa.

- Chứa chấp người người dưới 18 tuổi phạm pháp là hành vi cung cấp cho người chưa thành niên nơi ăn, chỗ ở với ý thức tạo điều kiện cho họ thực hiện tội phạm. Người chứa chấp đã biết rõ người chưa thành niên mà mình chứa chấp là người phạm pháp. Hành vi chứa chấp đó có thể được thực hiện độc lập nhưng cũng có thể được thực hiện đồng thời với hành vi dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].