Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của tội phạm dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin và giao tài sản cho tội phạm để chiếm đoạt tài sản đó.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong số những tội phạm phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và lượng người dùng các trang mạng xã hội tăng nhanh tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay diễn ra rất phổ biến và tinh vi.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thứ nhất, căn cứ pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 ("Bộ luật Hình sự") quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

"1- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (d) Tái phạm nguy hiểm; (đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; (e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; (g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Thứ hai, cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

(i) Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Về hành vi khách quan: Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm doạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó người bị hại không biết được có hành vi gian dối.

Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể dược thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh … hoặc kết hợp nhiều cách thức khác nhau. Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.

Về hậu quả: Hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là làm thiệt hại về tài sản của người khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa dối giao tài sản hoặc người bị lừa dối không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không thực hiện việc giao tài sản thì không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho mình hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

Về mối quan hệ nhân quả: Cũng như những tội có cấu thành vật chất khác, hậu quả và hành vi khách quan của tội phạm phải có mối quan hệ nhân quả với nhau. Hậu quả thiệt hại về tài sản phải được xuất phát từ hành vi lừa dối. Nếu việc thiệt hại về tài sản từ nguyên nhân khác thì sẽ dựa vào những dấu hiệu khách quan để xác định xem có dấu hiệu của tội phạm không và được pháp luật điều chỉnh như thế nào.

Lưu ý: Cần phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những tội phạm dùng thủ đoạn gian dối khác. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội dùng hành vi gian dối để người khác "tự nguyện" giao tài sản cho mình còn đối với những thủ đoạn gian dối nhưng không phải do người bị hại tự động giao tài sản cho mình thì phải căn cứ vào dấu hiệu khách quan để xác định tội phạm tương ứng, chẳng hạn dùng thủ đoạn cân, đong, đo đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hàng hoặc để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính thì sẽ cấu thành tội lừa dối khách hàng hoặc tội buôn bán hàng giả.

(ii) Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Việc xâm phạm đến quyền sở hữu thể hiện ở hành vi chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác sau khi lừa lấy được tài sản.

(iii) Mặt chủ quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Lỗi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là lỗi cố ý. Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn có mục đích chiếm đoạt tài sản từ trước sau đó mới thực hiện hành vi lừa dối nhằm đạt được mục đích của mình. Vì vậy, người phạm tội này luôn thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.

Lưu ý: Đối với những trường hợp, người phạm tội sau khi đã nhận được tài sản rồi mới có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản thì sẽ không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi vì khi giao tài sản chưa phát sinh hành vi gian dối. Trong trường hợp này, tùy từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.

(iv) Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự thì chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, người phạm tội phải là người không bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

Thứ ba, hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có 04 mức khung hình phạt tương ứng với 04 (bốn) khoản được quy định trong Điều 174 Bộ luật Hình sự.

- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.Đây là khung hình phạt nhẹ nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt này được áp dụng đối với người phạm tội đã chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc 01 trong các trường hợp: (i) Đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản; (ii) Đã bị kết án về một trong các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; (iii) Gây ảnh hưởng xấu đến anh ninh trật tự, an toàn xã hội; (iv)Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

- Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.Người phạm tội thuộc 01 trong các trường hợp sau sẽ bị áp dụng khung hình phạt này: (i) Có tổ chức; (ii) Có tính chất chuyên nghiệp; (iii)Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (iv)Tái phạm nguy hiểm; (v) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; (vi)Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

- Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.Khung hình phạt này được áp dụng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Có 02 trường hợp người phạm tội có thể bị áp dụng theo khung hình phạt này là: (i) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (ii) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.Đây là khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được áp dụng đối với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi người phạm tội có thỏa mãn 01 trong 02 trường hợp sau: (i) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (ii) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài việc phải chịu hình phạt chính theo 01 trong 04 khung hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, nếu người phạm tội có từ 02 tỉnh tiết giảm nhẹ trở lên theo quy định của pháp luật thì có thể sẽ được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (Điều 54 Bộ luật Hình sự).

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không hiếm gặp. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Bài viết thực hiện bởi: Thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail: [email protected].