Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Về bản chất, Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sunng năm 2009 và Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội danh này không có gì khác nhau, nhưng về kỹ thuật lập pháp và việc định tội danh thì có những thay đổi nhất định.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định lần đầu tiên tại Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 1985, rồi sau đó là Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Và mới đây nhất được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, Điều 167 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định thành hai tội phạm riêng biệt, đó là: “tội làm hàng giả” và “tội buôn bán hàng giả”, còn Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hai hành vi trong cùng một tội danh, đó là: “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”. Về bản chất, Điều 156 và Điều 192 quy định về tội danh này không có gì khác nhau, nhưng về kỹ thuật lập pháp và việc định tội danh thì có những thay đổi nhất định.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Một số điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau:

- Khoản 1 Điều 192 đã chi tiết hóa các hành vi phạm tội, đồng thời có thể lựa chọn giữa hai hình thức phạt tiền hoặc phạt tù đối với tội này như sau:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn.

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn.

+ Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc một trong tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, tội đầu cơ, tội trốn thuế hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

+ Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Bổ sung thêm nhiều trường hợp phạm tội, đồng thời, nâng mức mức phạt thấp nhất lên 05 năm tù thay vì 03 năm tù như trước đây:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (trước đây, mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm):

+ Có tổ chức.

+ Có tính chất chuyên nghiệp.

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.

+ Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn (trường hợp bổ sung)

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn (làm rõ trường hợp này hơn so với BLHS 1999).

+ Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (làm rõ giá trị số lợi thu bất chính)

+ Làm chết người (trường hợp bổ sung).

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên (trường hợp bổ sung).

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% (trường hợp bổ sung).

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng (trường hợp bổ sung).

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại (trường hợp bổ sung).

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Và bổ sung thêm nhiều trường hợp bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm quy định tại khoản 3 Điều 192:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên (trường hợp bổ sung).

+ Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên (trường hợp bổ sung).

+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn (làm rõ trường hợp này hơn so với trước).

+ Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên (làm rõ giá trị số lợi thu bất chính).

+ Làm chết 02 người trở lên (trường hợp bổ sung).

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên (trường hợp bổ sung).

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên (trường hợp bổ sung).

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên (trường hợp bổ sung).

- Nâng mức phạt tiền tối thiểu đối với trường hợp sau:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (trước đây mức phạt tiền là từ 5 – 50 triệu đồng), cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Lần đầu quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại quy định tại khoản 5 Điều 192, theo đó, pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, đồng thời bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].