Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Nếu so sánh Điều 244 Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS) năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 với Điều 317 BLHS năm 2015, thì tên tội danh của điều luật là giống nhau, đều là tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” được quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; và được quy định tịa Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Nếu so sánh Điều 244 Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS) năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 với Điều 317 BLHS năm 2015, thì tên tội danh của điều luật là giống nhau, đều là tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Nhưng với Điều 244 nhà làm luật chỉ quy định người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt từ từ một đến năm năm, thì tại Điều 317 BLHS năm 2015, nhà làm luật đã quy định theo hướng chi tiết hơn, cụ thể hơn. Mà theo đó, chỉ cần người nào thực hiện một trong các hành vi được quy định tại khoản 1 của Điều này thì coi như đã thỏa mãn cấu thành cơ bản tội phạm, mà không cần xác định trọng lượng, hàm lượng chất cấm, khách sinh, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng,… mức phạt tiền có thể từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; nếu thuộc một trong các trường hợp định khung tăng nặng khoản 2 Điều 317 BLHS năm 2015, bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm, trong khi đó, nếu là khoản 2 Điều 244 BLHS năm 1999, có thể bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm; nếu thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 3 Điều 317; khoản 3 Điều 244 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; người vi phạm thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 4 Điều 317 BLHS năm 2015, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Về hình phạt bổ sung, ngoài việc cả hai điều luật đều quy định cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, nhưng nếu như khoản 4 Điều 244 BLHS năm 1999, quy định có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng, thì khoản 5 Điều 317 BLHS năm 2015 mức phạt này tối đa là 100 triệu đồng.

Điều 317 BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định chi tiết hơn, nhưng cũng khó xử lý người phạm tội. Bởi lẽ, hành vi khách quan của tội phạm phải thỏa mãn các dấu hiệu người phạm tội biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; dư lượng vượt ngưỡng cho phép; thực phẩm không bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm và ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ... thì mới bị xử lý hình sự. Như vậy, với số đông hiện nay những người buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ vùng nông thôn, miền núi, thậm chí các cửa hàng đại lý phân phối mà đặt ra tiêu chí buộc họ phải biết các thông số trên quy chuẩn kỹ thuật là một điều rất xa rời thực tiễn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được đề cập đến những bất cập khi áp dụng quy định tại Điều 317 BLHS vào từ thực tiễn đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này, Cụ thể:

Thứ nhất, hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm. Cụm từ “biết rõ” ở đây phải được hiểu là có căn cứ để chứng minh sự “biết rõ” đó, như có nhìn thấy tận nơi, có thông tin chính xác thịt heo mà họ bày bán hàng ngày tại quầy của mình bị “nhiễm” chất cấm trong chăn nuôi, chủ lò mổ mua heo của người nuôi heo sử dụng chất kích nạc Salbutamol nhóm beta-agonist; hoặc biết chắc rằng nguồn xương bò được cơ sở phân phối để nấu nước dùng hàng ngày của quán phở được xử lý ngâm trong hàn the; hoặc tiếp tay cho đầu mối phân phối thu gom nguồn thịt giá rẻ trôi nổi trên thị trường rồi tẩm ướp hóa chất bị cấm, “hô biến” thịt heo nái thải loại thành thịt bò tươi để bán ra thị trường, thì mới bị coi là “biết rõ”.

Thứ hai, người sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm. Theo quy định hiện hành, danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam - Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: Carbuterol; Cimaterol; Clenbuterol; Chloramphenicol; Diethylstilbestrol (DES);…. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam – Ban hành kèm theo Thông tư 34/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sửa đổi Thông tư 03/2015/TT-BNNPTNT), gồm: Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 21 hoạt chất; Thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất; Thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất; Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất. Vấn đề đặt ra, làm rõ căn cứ bảo đảm rằng, loại hóa chất bị cấm, thuốc bảo vệ thực vật,…mà người sử dụng biết rõ là bị cấm sử dụng, bởi thực tế hiện nay, những loại thuốc, hóa chất đó người dân mua rất dễ dàng tại các Đại lý thuốc bảo vệ thực vật hoặc được bày bán công khai ở các chợ.

Thứ ba, người sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm. Cụ thể, những chất này sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015 mà còn vi phạm. Gần đây, thông tin gây xôn xao dư luận, người nông dân sử dụng thần dược siêu tăng trưởng HVP Ga3 để rau nhanh được thu hoạch. Loại thuốc siêu tăng trưởng HVP Ga3 không có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. GA3 là một loại chất kích thích mọc mầm cho cây. Từ năm 1995, Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (nơi cấp phép cho các hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp) đã xếp GA3 nằm ở nhóm chất độc nhóm 3 và nhóm 4, nghĩa là nhóm có độc tính nhẹ. Vấn đề đặt ra, theo quy định tại Điều 317 BLHS năm 2015 để cấu thành tội phạm này, chỉ cần người thực hiện hành vi phạm tội thỏa mãn mặt khách quan là đủ, nhà làm luật không “định lượng” cụ thể trọng lượng chất cấm được sử dụng là bao nhiêu; dư lượng kháng sinh vượt đến ngưỡng nào,…là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Trong khi đó, Nghị định 178/2013/NĐ/CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú ý, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Vậy, ranh giới nào để cơ quan thực thi nhiệm vụ áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính mà không xử lý bằng pháp luật hình sự? Nếu không quy định rõ, sẽ bị lạm dụng hoặc tùy tiện trong áp dụng.

Thứ tư, hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia,... hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm. Việc sử dụng này gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – chất làm bóng (National technical regulation on Food Additive – Glazing agent) QCVN 4-20:2011/BYT, ban hành theo Thông tư số 01/2011/TT-BYT ngày 13/01/2011 của Bộ Y tế. Chất làm bóng: là phụ gia thực phẩm được cho thêm vào bề mặt phía ngoài của thực phẩm nhằm tạo độ bóng hoặc tạo lớp bảo vệ. Mà theo đó, yêu cầu Chỉ số acid 17 – 24; Chỉ số peroxyd không được quá 5,0 ; Chỉ số xà phòng hóa 87 – 104; Chì không được quá 2 mg/kg (Xác định bằng kỹ thuật quang phổ hấp thụ nguyên tử thích hợp cho hàm lượng quy định);… Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm – chất tạo bọt (National technical regulation on Food Additive – Foaming agent) QCVN 4-23:2011/BYT, ban hành theo Thông tư số 01/2011/TT-BYT ngày 13/01/2011 của Bộ Y tế. Chất tạo bọt: là phụ gia thực phẩm được cho vào thực phẩm nhằm tạo ra hoặc duy trì sự phân tán đồng nhất của pha khí trong thực phẩm dạng lỏng hoặc dạng rắn. Yêu cầu kỹ thuật: pH 3,7 – 5,5 ( đối với nồng độ dung dịch 4%); Tamin Không được quá 8% theo chế phẩm khô; chì Không được quá 2,0 mg/kg. Đây mới chỉ là 2 trong rất nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm mà Bộ Y tế đã ban hành theo Thông tư số 01/2011/TT-BYT, như vậy, với những người làm công tác nghiên cứu về lĩnh vực này hoặc người có trình độ chuyên môn trực tiếp pha chế nguyên liệu tại cơ sở sản xuất thì mới có thể biết được những quy định về quy chuẩn kỹ thuật, còn với những người buôn bán nhỏ, đại lý phân phối để truy cứu trách nhiệm hình sự họ đối với nhóm hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015 đòi hỏi phải chứng minh được rằng, ý thức chủ quan của những người này là biết rõ sản phẩm mà họ đang trưng bày, bán cho người tiêu dùng, phân phối cho tiệm tạp hóa, các đầu mối là vi phạm quy chuẩn kỹ thuật phụ gia thực phẩm. Nên đây thật sự là điều khó đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, theo quy định cũng có thể xử lý hình sự với hành vi phạm tội theo điểm d khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015, nếu người phạm tội thu lợi bất chính từ 50 đến 100 triệu đồng. Theo quan điểm của tác giả, như vậy sẽ bỏ lọt một số lượng rất lớn người phạm tội, mà đối tượng đó chính là những người buôn bán nhỏ lẻ, len lỏi ở các vùng nông thôn, vùng núi cao, ven biển khi mà mọi giao dịch mua bán với nhau bằng miệng, hầu như không thể hiện trên hóa đơn chứng từ, thì liệu rằng cơ quan điều tra có xác định được số tiền thu lợi bất chính của họ không, trong khi hoàn toàn phía người bán không có sổ sách ghi chép việc nhập hàng, xuất hàng, doanh thu,...

Thứ năm, tại điểm d khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015, có quy định một trong những trường hợp để truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội mà “gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%”, để chứng minh hậu quả này thật sự khó đối với các cơ quan điều tra, bởi phải chứng minh làm rõ mối quan hệ nhân – quả giữa việc sử dụng thực phẩm do dùng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục tuy được phép sử dụng nhưng lạm dụng quá mức hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe của người bị hại bị tổn thương theo tỉ lệ quy định.

Thứ sáu, đâu là ranh giới rõ ràng nhận biết đólà hành vi vi phạm hành chính với trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm. Theo Nghị định 178/2013/NĐ/CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mà theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Chẳng hạn, tại Điều 7 của Nghị định này quy định hành vi vi phạm về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm, mức phạt tiền thấp nhất 10 triệu đồng và cao nhất 100 triệu đồng, đối với các hành vi: Hành vi sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng; sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. Nhưng nghiên cứu quy định cấu thành cơ bản của tội phạm quy định tại Điều 317 BLHS năm 2015, thì chỉ cần người vi phạm thực hiện hành vi theo mô tả tại các điểm a, b, c, d là có thể bị truy cứu TNHS, mà không phụ thuộc bất kỳ điều kiện nào. Do vậy, để tránh việc lạm dụng quy định của pháp luật hình sự trong đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này, thiết nghĩ sẽ là tốt hơn, nếu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu hướng dẫn cụ thể nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và áp dụng có hiệu quả quy định trên.

Nguồn tham khảo: Phạm Thị Hồng Đào - Văn phòng luật sư tỉnh Thạnh Hưng (www.moj.gov.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].