Hành hung để tẩu thoát, tội cướp tài sản hay tội cướp giật tài sản?

Tội cướp giật tài sản: Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp;....

Hỏi: Tôi có vay nặng lãi một số tiền 20 triệu đồng thời hạn 03 tháng, ngày 11/10 là đến hạn phải trả. Tuy nhiên, đến ngày 11/10 mà tôi vẫn chưa chuẩn bị đủ tiền trả cả gốc lẫn lãi, sợ bị bọn cho vay nặng lãi đánh nên tôi đã nảy sinh ý định cướp giật tài sản của người đi đường để lấy tiền trả nợ. Khi vừa nhìn thấy một người phụ nữ đang vừa đi đường vừa sử dụng điện thoại, tôi đã giật lấy rồi bỏ chạy. Người phụ nữ này hô hoán mọi người nên tôi đã bị một người đàn ông chặn lại, do quá gấp, tôi đã vất lại điện thoại đồng thời đẩy người đàn ông này ngã xuống đường. Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu bị bắt, tôi sẽ bị kết án vào tội gì? (Mai Văn Quý – Quảng Ninh)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Thuỳ - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest – trả lời:

Điều 136 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội cướp giật tài sản như sau:"1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; h) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng”.

Mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn về tình tiết “hành hung để tẩu thoát” như sau: “Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát. – Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc ngưòi khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.

Xét trong trường hợp của anh, hành vi của anh khi giất chiếc điện thoại của người phụ nữ cấu thành tội cướp giật tài sản, tuy nhiên, ngay sau đó, anh đã có hành vi hành hung người khác, do đó, cần phải xem xét mục đích của hành vi “hành hung” này là gì? Trường hợp anh hành hung nhằm mục đích chiếm giữ tài sản thì tội danh của anh sẽ chuyển hoá từ tội cướp giật tài sản sang tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự; còn nếu anh hành hung người khác chỉ nhằm mục đích tẩu thoát thì anh sẽ bị kết án về tội cướp giật tài sản. Như vậy, theo như anh trình bày ở trên, khi anh thực hiện hành vi hành hung người khác, anh đã để lại chiếc điện thoại di động, do đó có thể khẳng định mục đích hành hung của anh là để tẩu thoát, nên anh sẽ bị kết án về tội cướp giật tài sản theo điểm đ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.