Hoàn thiện pháp luật về biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú

Cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

“1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm đảm bảo sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

2. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra lệnh cấm
đi khỏi nơi cư trú.

Bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập.

Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường thị trấn để quản lý, theo dõi họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đó.

3. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú được thực hiện nhiều đối với các trường hợp bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng, đơn giản, chứng cứ xác định hành vi phạm tội đã rõ ràng. Sau khi khởi tố bị can, trên cơ sở giấy cam đoan của bị can, Cơ quan điều tra ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và tống đạt cho bị can, đồng thời gửi lệnh này đến Công an phường, xã, thị trấn nơi bị can cư trú. Sau khi có kết luận điều tra vụ án, hồ sơ được chuyển đến Viện kiểm sát để có Cáo trạng truy tố. Giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát không ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Khi hồ sơ được chuyển đến Toà án, Toà án lại tiếp tục ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, nhưng không yêu cầu bị can viết giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm khi có giấy triệu tập của Toà án. Lệnh này được tống đạt cho bị can đồng thời được gửi đến Công an xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú. Như vậy, trong cùng một vụ án đã có hai Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của hai cơ quan trong hai giai đoạn tố tụng khác nhau là điều tra và xét xử.

Hiện có hai quan điểm về vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra vẫn còn hiệu lực, nên Toà án không cần phải ra lệnh tiếp theo mà vẫn đảm bảo về việc bị can không đi khỏi nơi cư trú vì chưa có lệnh nào huỷ bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan cảnh sát điều tra.

Quan điểm thứ hai cho rằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan cảnh sát điều tra đối với bị can trên cơ sở giấy cam đoan của bị can không đi khỏi nơi cư trú và phải có mặt đúng thời gian, địa điểm theo giấy triệu tập của Cơ quan cảnh sát điều tra. Khi hồ sơ đến Toà án là chuyển sang giai đoạn chuẩn bị xét xử nên vẫn phải buộc bị can viết giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú và phải có mặt đúng thời gian, địa điểm theo giấy triệu tập của Tòa án; trên cơ sở vày Toà án mới ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can. Theo nhận thức của người viết đồng ý với quan điểm thứ hai.

Như vậy trong từng giai đoạn tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải thực hiện các quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự về Cấm đi khỏi nơi cư trú để đảm bảo sự có mặt của bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng đang có thẩm quyền. Việc Viện kiểm sát không ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Toà án không yêu cầu bị can viết giấy cam đoan là chưa đúng quy định.

Vấn đề tiếp theo cần xem xét, khi nào thì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can hết hiệu lực. Điều 94 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn như sau:

"1.Khi vụ án bị đình chỉ thì mọi biện pháp ngăn chặn đã áp dụng đều phải huỷ bỏ.

2.Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc huỷ bỏ hoặc thay thế phải do Viện kiểm sát quyết định."


Theo quy định tại điều luật này, khi một bị can đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, nếu vụ án bị đình chỉ thì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải được huỷ bỏ. Người viết cho rằng việc huỷ bỏ phải được thực hiện bằng một quyết định kèm theo quyết định đình chỉ và phải được tống đạt cho người bị khởi tố đồng thời gửi đến chính quyền xã , phường, thị trấn nơi người đã bị khởi tố cư trú để nơi đây biết được và thực hiện công tác quản lý đối tượng tại địa phương. Trường hợp thấy không còn cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng phải huỷ bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can. Như vậy, “Khi thấy không còn cần thiết” được xảy ra trong những trường hợp nào? Quá trình tố tụng đối với một vụ án hình sự, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì tuỳ theo tính chất của từng vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể lựa chọn một trong các biện pháp sau: bắt để tạm giam, tạm giữ; cấm đi khỏi nơi cư trú; bảo lĩnh; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo. Nếu đã áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng hình thức bắt để tạm giữ, tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng có thể huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn này để thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho bảo lĩnh hay đặt tiền hoặc tài sản có gái trị để đảm bảo. Trường hợp cho bảo lĩnh thì không cần áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; hoặc đã áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo thì cũng không áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú vì nếu áp dụng thì cùng một lúc người bị khởi tố bị áp dụng hai biện pháp ngăn chặn, trong khi đó quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự chỉ cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng một trong những biện pháp nêu trên. Như vậy, khi vụ án chưa được xét xử bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú chỉ được huỷ bỏ để thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác còn việc được huỷ bỏ khi thấy không còn cần thiết được xảy ra trong trường hợp nào, cần được hướng dẫn.

Bên cạnh đó, khi vụ án được đưa ra xét xử, bản án quyết định áp dụng một trong các hình phạt hình phạt được quy định tại Điều 28 Bộ luật hình sự và chưa thấy bản án nào tuyên huỷ bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo. Có bị cáo bị tuyên hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn và tù có thời hạn nhưng cho miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo). Người bị kết án đã thi hành xong hình phạt theo bản án đã tuyên, nhưng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn mà không có quyết định nào huỷ bỏ lệnh đó. Có quan điểm cho rằng, khi bản án của Toà án tuyên có hiệu lực pháp luật thì Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đương nhiên bị huỷ bỏ, người bị kết án phải thi hành bản án theo quy định của Luật thi hành án hình sự. Trong thực tiễn, nhiều người sau khi đã thi hành xong bản án hình sự có đơn yêu cầu Toà án đã xét xử huỷ bỏ Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, vì chính quyền địa phương cho rằng không có lệnh nào huỷ bỏ nên vẫn phải thi hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là một khó khăn, gây cản trở cho người bị kết án trong việc tái hoà nhập cộng đồng.

Để giải quyết vướng mắc trên, người viết thấy rằng Điều 94 Bộ luật hình sự cần được sửa đổi bổ sung “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú được huỷ bỏ theo quyết định của Toà án. Quyết định này được ghi trong bản án khi xét xử vụ án.” Khi thực hiện, Toà án cần ghi rõ trong bản án huỷ bỏ các lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú bao gồm số, ngày, tháng, năm của cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc ghi rõ vào bản án giúp cho người bị kết án sau khi thi hành xong bản án sẽ không bị ràng buộc bởi các lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của các cơ quan tiến hành tố tụng đã ban hành trước khi có bản án.

Nguồn: Toaan.gov.vn

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].