Miễn trách nhiệm hình sự khi trong trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

Trên cơ sở kế thừa các quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự (viết tắt là TNHS) của Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS) năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, BLHS năm 2015 quy định các trường hợp loại trừ TNHS tại chương IV, bao gồm các trường hợp loại trừ TNHS sau: Điều 20. Sự kiện bất ngờ; Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; Điều 22. Phòng vệ chính đáng; Điều 23. Tình thế cấp thiết; Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Đây là lần đầu tiên Điều 24 quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội được quy định chính thức trong Bộ luật hình sự năm 2015.

Điều 24 BLHS năm 2015 quy định như sau: “1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. 2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Theo đó, đối tượng bị bắt giữ là người phạm tội đang có hành vi chống trả hoặc trốn tránh việc bắt giữ. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, đối tượng bị bắt giữ là người phạm tội bị bắt quả tang (Điều 111) hoặc cũng có thể là người đang bị truy nã (Điều 112) hoặc là bị can, bị cáo có lệnh bắt để tạm giam (Điều 113) hoặc bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110)…Người bị bắt giữ trên thực tế đã không chấp hành lệnh và có sự chống trả, trốn tránh và hành vi đó có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bắt giữ hoặc nguy cơ trốn thoát của người bị bắt giữ sẽ xảy ra nếu không được ngăn chặn.

Hành vi dùng vũ lực chỉ được phép thực hiện trong hoàn cảnh, điều kiện không còn biện pháp nào khác, biện pháp vũ lực để bắt giữ người phạm tội là biện pháp duy nhất và cuối cùng.. Người bắt giữ chỉ được sử dụng vũ lực khi không còn biện pháp nào khác để bắt giữ người phạm tội. Điều kiện này tương tự như điều kiện của tình thế cấp thiết (Điều 23 BLHS năm 2015). Việc sử dụng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là biện pháp duy nhất và cuối cùng. Để coi là biện pháp duy nhất và cuối cùng phải đặt trong điều kiện cụ thể, tình huống cụ thể với không gian, thời gian và tương quan lực lượng cũ thể cũng như mức độ cần thiết ngăn chặn hành vi chống cự của người bị bắt giữ, khả năng tẩu thoát của người phạm tội,…

Hơn nữa việc bắt giữ có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người bị bắt giữ và được đánh giá là thiệt hại trong giới hạn cần thiết. Việc gây thiệt hại trong giới hạn cần thiết để bắt giữ người phạm tội nếu họ có hành vi chống cự nhằm trốn tránh việc bị bắt giữ thì không bị coi là tội phạm. Tuy nhiên, việc xem xét, cân nhắc, đánh giá như thế nào là trong giới hạn cần thiết là điều không phải dễ trong thực tế. Bởi, nếu trong giới hạn cần thiết thì người dùng vũ lực gây thiệt hại cho người phạm tội khi bị bắt giữ sẽ không bị coi là tội phạm. Nếu việc gây thiệt hại rõ ràng vượt mức cần thiết thì là tội phạm và phải chịu TNHS.

Chủ thể thực hiện hành vi bắt giữ người theo quy định tại Điều 24 BLHS năm 2015 được hiểu không bao gồm những người thi hành công vụ, mà họ là người công dân bình thường có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; vì sự bình yên của thôn, xóm.

Nguồn tham khảo: Phạm Thị Hồng Đào – Văn phòng luật sư Thạnh Hưng

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].