Những điểm mới của tội trộm cắp tài sản Bộ luật hình sự mới năm 2015

So với Điều 138 BLHS năm 1999 về tội trộm cắp tài sản thì BLHS năm 2015 có nhiều điểm mới

Tội trộm cắp tài sản được quy định tạiĐiều 173 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

Thứ nhất, về cấu thành cơ bản của tội phạm

Tội trộm cắp tài sản của BLHS năm 2015 đã có những quy định hết sức cụ thể và rõ ràng về các yếu tố cấu thành cơ bản của loại tội này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Khoản 1 Điều 173 BLHS 2015 vẫn giữ nguyên mức hình phạt nhưng có sửa đổi, bổ sung so với khoản 1 Điều 138 BLHS hiện hành như sau:

- Trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng “gây hậu quả nghiêm trọng” được thay bằng “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

- Quy định rõ hơn, toàn diện hơn về tình tiết định tội khi tài sản trộm cắp có giá trị dưới 2 triệu đồng.

Theo đó,

+ Nếu BLHS hiện hành quy định “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” thì BLHS 2015 sửa đổi thành “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản”.

+ Nếu BLHS hiện hành quy định “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì BLHS 2015 sửa đổi thành “đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

+ Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng “tài sản đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” thì cũng bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Thứ 2, Quy định về các khung hình phạt tăng nặng

Quy định tại khoản 2 Điều 173 BLHS 2015 cơ bản vẫn giữ nguyên về mức hình phạt tù, về các tình tiết định khung tăng nặng có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, hành hung để tẩu thoát, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 173 BLHS 2015 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời bổ sung tình tiết mới là “trộm cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này”.

Tương tự, khoản 3 Điều 173 BLHS 2015 vẫn giữ nguyên mức hình phạt tù và tình tiết định khung tăng nặng chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, bỏ tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, bổ sung hai tình tiết hoàn toàn mới “trộm cắp tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này” và “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”.

Khoản 4 Điều 173 BLHS 2015 đã bỏ hình phạt tù chung thân, giữ nguyên mức hình phạt tù có thời hạn và tình tiết “chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên”. Điều khoản này cũng bổ sung hai tình tiết mới là “trộm cắp tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này” và “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.

Khoản 5 Điều 173 BLHS 2015 vẫn giữ nguyên như quy định tại khoản 5 Điều 138 BLHS hiện hành là “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng”.

Lưu ý: Xác định tài sản là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản theo quy định BLHS năm 2015.

Để xác định tại sản là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản thì tài sản đó phải có đặc điểm nhất định. Trước hết, tài sản đó là tài sản của người khác, đang có sự quản lý. Tài sản là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải được thể hiện dưới dạng vật chất cụ thể có giá trị và giá trị sử dụng, BLDS năm 2015 quy đinh về tài sản: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản".

Tuy nhiên, không phải mọi loại tài sản như quy định của BLDS đều là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản. Qua thực tiễn nghiên cứu vấn đề tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản có thể xác định như sau:

* Tài sản không phải là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”

Thứ nhất, "Quyền tài sản" là một dạng tài sản vô hình, không nhìn thấy được, nó gắn liền với quyền nhân thân và cố định với một chủ thể cụ thể được pháp luật công nhận. Do đó, nó không thể bị dịch chuyển trái phép, bị chiếm đoạt bởi người khác được, vì về mặt pháp lý, “quyền tài sản” phải được pháp luật thừa nhận thì mới có giá trị.

Thứ hai: Tài sản là “bất động sản” có tính chất vật lý cố định, ví dụ như: đất đai, nhà cửa, ao hồ. Những loại tài sản này không thể là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” vì trong thực tế các loại tài sản không dịch chuyển được. Tuy nhiên, có một số động sản mà pháp luật dân sự quy định là bất động sản do công dụng của nó như: cánh cửa gắn với ngôi nhà; cây cối trồng trên vườn… thì vẫn là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”.

Thứ ba: Những tài sản sau tuy là động sản, nhưng cũng không thuộc đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”:

- Tài sản vô chủ là loại tài sản mà chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

- Tài sản bị rơi, bị bỏ quên, thất lạc đây là những loại tài sản xa mà chủ sở hữu mất quyền trực tiếp nắm giữ, quản lý ngoài ý chí của mình.

- Những tài sản không có giá trị hoặc giá trị sử dụng như: nước biển, gió trời, không khí…

- Những giấy tờ có giá trị, nhưng không trực tiếp chuyển thành tiền được. Ví dụ như: Sổ tiết kiệm, hợp đồng mua bán, giấy nợ…

- Tài sản thuộc các loại có tính chất và công dụng đặc biệt. Ví dụ như: vũ khí quân dụng, ma tuý, hàng cấm, máy bay, tàu thuỷ… Nếu người phạm tội trộm cắp những loại tài sản này thì tuỳ trường hợp mà phạm vào các tội danh cụ thể, có thể là tội Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, Chiếm đoạt chất ma tuý…

* Tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản”

Tài sản được xác định là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu hoặc những người có trách nhiệm quản lý tài sản. Về mặt vật lý, tài sản là đối tượng tác động của tội “Trộm cắp tài sản” phải là một dạng vật chất cụ thể và tồn tại dưới dạng là một động sản, có thể nhìn thấy được và dịch chuyển được, có giá trị trên 2.000.000 đồng được xác định bao gồm:

- Là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.

- Là tài sản phải đang trong vòng kiểm soát của chủ sở hữu, người quản lý tài sản.

- Là tài sản có giá trị hoặc giá trị sử dụng.

- Tài sản do chiếm hữu không hợp pháp. Ví dụ như: Tài sản do phạm tội mà có; tài sản có được do mua nhầm của kẻ gian…

Ngoài ra, còn có những loại tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng vẫn thuộc đối tượng của tội trộm cắp tài sản, bao gồm:

- Những loại tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình.

- Tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Do đó khi xác định đúng đối tượng tài sản của tội trộm cắp tài sản theo quy định của BLHS năm 2015, cơ quan tiến hành điều tra cần:

- Căn cứ vào phong tục, tập quán và lối sống của người dân

- Xác định đúng mục đích chiếm đoạt tài sản: Đây là yếu tố cấu thành bắt buộc trong tội trộm cắp tài sản. Chiếm đoạt hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tất cả các quan điểm đều có nội dung cho rằng “Chiếm đoạt là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp – có thể là là dịch chuyển về mặt pháp lý, có thể là về mặt thực tế, trong đó người chiếm đoạt đã sử dụng biện pháp, phương thức không được pháp luật cho phép tước bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đang thuộc quyền sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp của người đó”. Theo như khái niệm trên thì mọi hành vi dịch chuyển tài sản bất hợp pháp đều phạm tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, thực tế cần phải xem xét nhiều yếu tố khác có liên quan. Với những loại tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản tuy nhiên người thực hiện hành vi đó không có mục đích chiếm đoạt thì người đó không phạm tội. Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án trộm cắp tài sản việc xác định mục đích chiếm đoạt là vô cùng quan trọng nhằm xác định đúng hành vi phạm tội trộm cắp tài sản.

- Việc xác định tài sản trộm cắp là phương tiện sống chính của người bị hại và gia đình thì tài sản đó phải là tài sản đặc biệt quan trọng, là chỗ dựa, phương tiện mưu sinh duy nhất của người bị hại và gia đình mà nếu mất đi tài sản đó thì người bị hại và gia đình lâm vào tình trạng khó khăn.

Những sửa đổi, bổ sung của BLHS năm 2015 về tội trộm cắp tài sản là rất quan trọng góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của BLHS năm 1999. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng đấu tranh phòng chống tội phạm đặc biệt là tội trộm cắp tài sản việc xác định những loại tài sản là đối tượng của tội trộm cắp là yêu cầu cần thiết đặt ra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Chi nhánh Tây Hà Nội:Tầng 9, tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
  3. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  4. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
  5. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].