Vấn đề xác định tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 273 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, việc xác định những tài sản nào là đối tượng của tội trộm cắp tài sản là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc định tội danh. Tài sản được xem là đối tượng của tội trộm cắp tài sản trước hết phải là tài sản đang có chủ sở hữu, chịu sự quản lý của một chủ thể nào đó. Và phải được thể hiện dưới dạng vật chất cụ thể có giá trị và giá trị sử dụng.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại tài sản như quy định tại điều này đều là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản; “quyền tài sản”, tài sản là “bất động sản” không phải là đối tượng của tội phạm này. Bởi “quyền tài sản” là một dạng tài sản vô hình, không nhìn thấy được, nó gắn liền với quyền nhân thân và cố định với một chủ thể cụ thể được pháp luật công nhân. Do đó, nó không thể bị dịch chuyển trái phép, bị chiếm đoạt bởi người khác được. Còn với loại tài sản là “bất động sản” như: đất đai, nhà cửa… thì đây là loại tài sản có tính chất cố định, không thể dịch chuyển được. Tuy nhiên, có một số loại bất động sản như: cánh cửa gắn với ngôi nhà, cây cối trồng trên vườn…. vẫn có thể là đối tượng của tội trộm cắp tài sản.

Ngoài ra, những tài sản tuy là động sản nhưng cũng không phải là đối tượng của tội trộm cắp tài sản như:

- Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.

- Tài sản không phải đang trong vòng kiểm soát của chủ sở hữu, người quản lý tài sản.

- Tài sản không có giá trị hoặc giá trị sử dụng.

- Tài sản do chiếm hữu không hợp pháp. Ví dụ như: Tài sản do phạm tội mà có; tài sản có được do mua nhầm của kẻ gian…

Ngoài ra, còn có những loại tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng vẫn thuộc đối tượng của tội trộm cắp tài sản, bao gồm:

- Những loại tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình.

- Tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Theo tôi để xác định đúng đối tượng tài sản của tội trộm cắp tài sản theo quy định của BLHS năm 2015 cần có vài lưu ý như sau:

Thứ nhất: Căn cứ vào phong tục, tập quán và lối sống của người dân: Mặc dù các loại tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, thất lạc không phải là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản nhưng không phải trong mọi trường hợp những loại tài sản bị đánh rơi bỏ quên, thất lạc đặc biệt là các loại gia súc, gia cầm đều không phải là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản mà khi xử lý cần xem xét, căn cứ vào phong tục tập quán, lối sống của người dân để xác định cho đúng. Ví dụ: Khoảng 23h00 phút ngày 15/3/2015 Nguyễn Văn A khi đi qua bản K, xã M, huyện N, thấy 06 con bò của nhà Ông C phá chuồng đang ăn cỏ bên đường thấy vậy A liền dắt 01 con bò lên vùng đất vắng làm thịt đem bán. Tại kết luận định giá tài sản xác định giá trị con bò là 4.000.000 đồng”. Trong trường hợp này có ý kiến cho rằng những con bò này là tài sản bị thất lạc, xa rời sự quản lý của chủ sở hữu nên A không phạm tội trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, trong trường hợp trên cần xác định rằng nếu khu vực trên việc thả bò là phong tục, tập quán của bà con dân tộc được duy trì từ lâu thì những con bò đó không phải là tài sản bị thất lạc, xa rời sự quản lý của chủ sở hữu mà đó vẫn là tài sản thuộc đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản.

Thứ hai: Xác định đúng mục đích chiếm đoạt tài sản: Đây là yếu tố cấu thành bắt buộc trong tội trộm cắp tài sản. Chiếm đoạt hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tất cả các quan điểm đều có nội dung cho rằng “Chiếm đoạt là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp – có thể là là dịch chuyển về mặt pháp lý, có thể là về mặt thực tế, trong đó người chiếm đoạt đã sử dụng biện pháp, phương thức không được pháp luật cho phép tước bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đang thuộc quyền sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp của người đó”. Theo như khái niệm trên thì mọi hành vi dịch chuyển tài sản bất hợp pháp đều phạm tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, thực tế cần phải xem xét nhiều yếu tố khác có liên quan.

Chẳng hạn, với những loại tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản tuy nhiên người thực hiện hành vi đó không có mục đích chiếm đoạt thì người đó không phạm tội. Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án trộm cắp tài sản việc xác định mục đích chiếm đoạt là vô cùng quan trọng nhằm xác định đúng hành vi phạm tội trộm cắp tài sản.

Thứ ba: Việc xác định tài sản trộm cắp là phương tiện sống chính của người bị hại và gia đình thì tài sản đó phải là tài sản đặc biệt quan trọng, là chỗ dựa, phương tiện mưu sinh duy nhất của người bị hại và gia đình mà nếu mất đi tài sản đó thì người bị hại và gia đình lâm vào tình trạng khó khăn.

Nguồn tham khảo: Trần Văn Hùng - Tòa án Quân sự Khu vực 2 Quân khu 4 (www.moj.gov.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].