Phương án đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra trong tố tụng hình sự

Một khi đã có đạo luật riêng về điều tra tội phạm thì phương án tối ưu là tập trung tất cả những quy định về điều tra tố tụng vào đó, theo đúng mô hình đạo luật về thi hành án hình sự.

Thứ nhất, tổ chức và hoạt động của CQĐT được thể chế hóa trong pháp luật TTHS, cụ thể hơn là ở trong BLTTHS và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự hiện hành. Việc Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh nhiệm kỳ 13 Dự án Luật Tổ chức điều tra hình sự đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS đang đặt ra vấn đề là nội dung nào về chế định điều tra thì đưa vào BLTTHS, còn nội dung nào thì đưa vào Luật Tổ chức điều tra hình sự.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo tôi, một khi đã có đạo luật riêng về điều tra tội phạm thì phương án tối ưu là tập trung tất cả những quy định về điều tra tố tụng vào đó, theo đúng mô hình đạo luật về thi hành án hình sự. Trong trường hợp đó, BLTTHS chỉ tập trung điều chỉnh hoạt động xét xử. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp: Coi xét xử là khâu trung tâm của hoạt động tư pháp.

Đương nhiên, người nêu kiến nghị này cho rằng, ý kiến về xây dựng một đạo luật riêng về điều tra hình sự dẫu hợp lý cũng khó mà được chấp nhận trong bối cảnh hiện nay. Vậy nên, tiếp theo đây, tôi sẽ trao đổi ý kiến theo hướng sửa đổi, bổ sung mô hình điều tra đã được quy định trongBLTTHS.

Thứ hai,vấn đề đầu tiên là thay đổi quan niệm và từ đó sửa đổi quy định về chủ thể điều tra tố tụng. Nếu dừng lại ở quan niệm chủ thể điều tra tố tụng là người được pháp luật giao quyền hạn và trách nhiệm cụ thể trong điều tra tội phạm thì các chủ thể này, theo tôi, chỉ nên là: Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên; người đứng đầu Cơ quan khác; Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra.

Đưa CQĐT ra ngoài danh sách chủ thể điều tra tội phạm, bởi lẽ mặc dù BLTTHS xác định cơ quan này là cơ quan tố tụng, song thực chất quyền và nghĩa vụ tố tụng dường như đã phân chia hết cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và Điều tra viên,vềmặt tố tụng, CQĐT chỉ còn là danh nghĩa và Thủ trưởng CQĐT chính là người đứng đầu tập thể Điều tra viên.

Tôi cũng không đồng tình khi quy định chức danh cấp phó trong BLTTHS là chủ thể độc lập, người tiến hành tố tụng, cấp phó chỉ nên là người thay mặt cấp trường và không cần thiết phải có quyền và nghĩa vụ TTHS riêng. Khi tiến hành tố tụng, cấp phó nên lấy danh nghĩa Điều tra viên.

Thứ ba,đã đến lúc cần xác định vai trò độc lập của Điều tra viên trong điều tra như Thầm phán trong xét xử và Kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát Có thể giao quyền và nghĩa vụ tố tụng cho Điều tra viên khi người này được giao điều tra vụ án tương đương quyền và nghĩa vụ tố tụng của Thủ trưởng CQĐT khi trực tiếp tiến hành điều tra quy định tại khoản 2 Điều 34 BLTTHS hiện hành. Theo đó, Điều tra viên khi được phân công điều tra vụ án được: Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định không khỏi tố vụ án; quyết định tách hoặc nhập vụ án; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định truy nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, xử lý vật chứng; quyết định trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi; kết luận điều tra vụ án; quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra; trực tiếp tiến hành các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật...

Điều tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Thủ trưởng CQĐT tuy có quyền phân công và thay đổi Điều tra viên, nhưng không có quyền can thiệp vào hoạt động tố tụng của Điều tra viên.

Thẩm quyền trên đây của Điều tra viên cũng được áp dụng cho cấp phó khi người này được Thủ trưởng CQĐT phân công điều tra vụ án. Dĩ nhiên, khi ký các văn bản tố tụng, cấp phó cũng lấy danh nghĩa Điều tra viên. Còn Thủ trưởng CQĐT, ngoài quyền và nghĩa vụ tố tụng riêng có của mình (điều hành cơ quan, phân công và thay đổi Điều tra viên) mỗi khi trực tiếp điều tra vụ án, còn sử dụng thẩm quyền tố tụng mà luật quy định cho Điều tra viên.

Trường hợp nhiều Điều tra viên cùng tham gia điều tra vụ án thì Thủ trưởng CQĐT chỉ định một Điều tra viên phụ trách. Điều tra viên này sẽ điều hành việc điều tra và ký các văn bản tố tụng.

Thứ tư,đối với Cơ quan khác, vấn đề ít nhiều phức tạp hơn. Tôi ủng hộ quy định TTHS hiện hành tập trung quyền và nghĩa vụ tố tụng cho người đứng đầu các cơ quan này. Tuy nhiên, do Cơ quan khác là một hệ phức tạp, không đồng nhất nên cần cân nhắc việc phân định thẩm quyền tố tụng giữa các cơ quan này, nên tôi đề nghị như sau:Cho phép một số cơ quan khác như Cơ quan thanh tra chuyên ngành theo Luật Thanh tra, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, lực lượng kiểm ngư... cũng được quyền tiến hành điều tra ban đầu những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm thuộc lĩnh vực quản lý của mình.Mở rộng thẩm quyền TTHS cho một số Cơ quan khác đến mức tự tiến hành một số hoạt động điều tra và chuyển hồ sơ cho VKS để quyết định việc truy tố. Có thể đưa ra quy định là Cơ quan khác, đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng và không cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn thì được quyền tiến hành điều tra trong thời hạn không quá 30 ngày và chuyển kết luận điều tra cho VKS để quyết định việc truy tố.Đối với Cơ quan khác, vai trò của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra (Công tố viên) là hết sức quan trọng. Không chỉ là chỉ đạo, hướng dẫn Cơ quan khác trong hoạt động điều tra, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra còn là người điều phối, quyết định đường hướng điều tra tiếp theo. Ví dụ: Sau khi tiếp nhận kết quả điều tra và kết luận điều tra của Cơ quan khác chuyển đến, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra có quyền: Ra quyết định truy tố; trả hồ sơ cho Cơ quan khác để điều tra bổ sung; chuyển hồ sơ cho CQĐT để tiến hành điều tra theo thẩm quyền; tự mình tiến hành điều tra bổ sung; đình chỉ điều tra vụ án.

Thứ năm,đối với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra (Công tố viên), tôi đề nghị giao quyền và nghĩa vụ tố tụng cho chủ thể này không kém hơn quyền năng tố tụng của Thủ trưởng CQĐT. Và từ đó, sẽ không cần thành lập thêm bất cứ cơ quan điều tra nào trong Viện kiểm sát. Kiểm sát viên - công tố vừa có quyền tự mình tiến hành điều tra, được sử dụng mọi thầm quyền điều tra mà pháp luật TTHS trao cho Thủ trường CQĐT và Điều traviên. Hơn thế nữa, với tư cách là người thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên - công tố còn có quyền yêu cầu Thủ trường CQĐT, Điều tra viên, Người đứng đầu Cơ quan khác tiến hành điều tra, cung cấp chứng cứ cần thiết. Và như vậy, có thể nói Kiểm sát viên - công tố là chủ thể hàng đầu trong giai đoạn điều tra và là chủ thể điều phối, chỉ đạo điều tra.

Thứ sáu,khi Kiểm sát viên - công tố đã là người nắm quyền điều tra tố tụng thì việc kiểm sát điều tra có còn hay không, và nếu còn thì được thực hiện như thế nào? Dù ủng hộ quan điểm cho rằng tư pháp là tài phán, là xét xử và kiểm sát tư pháp là kiểm sát xét xử, nhưng tôi thấy, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, vẫn cần có cơ chế kiểm sát hoạt động điều tra. Tuy nhiên, khi đã xác định rõ vị trí của Kiểm sát viên - công tố trong giai đoạn điều tra thì việc kiểm sát điều tra cần được định hình lại, theo đó:Cần phân biệt hoạt động công tố với hoạt động kiểm sát. Hai hoạt động này là khác nhau không chỉ về ý nghĩa tồn tại, về mục đích mà còn về chủ thể thực hiện.Hoạt động công tố là hoạt động độc lập, gắn với điều tra thu thập chứng cứ, nặng về hành pháp nên cũng cần được kiểm sát.Công tố trong điều tra phải gắn với công tố trong xét xử. Do đó, Kiểm sát viên - công tố trong giai đoạn điều tra phải là người tiếp tục giữ vai trò công tố trong giai đoạn xét xử. Do hoạt động công tố là đối tượng kiểm sát nên Kiểm sát viên - công tố không được tham gia hoạt động kiểm sát. Những Kiểm sát viên khác (không tham gia hoạt động công tố) sẽ tiến hành hoạt động kiểm sát, kể cả kiểm sát hành vi tố tụng của Kiểm sát viên - công tố.Cũng như Điềutraviên, Kiểm sát viên - công tố là một chức danh tố tụng hình sự nên họ phải độc lập chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định tố tụng của mình (khác với quy định tại khoản 2 Điều 37 BLTTHS là Kiểm sát viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng VKS về những hành vi và quyết định của minh).

Thứ bảy,bên cạnh việc phân định thẩm quyền tố tụng cho các chủ thể tiến hành điều tra mà thực chất là quyền và nghĩa vụ tố tụng của các chức danh: Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên, người đứng đầu Cơ quan khác, Kiểm sát viên - công tố, vấn đề quan trọng không kém là phân định thẩm quyền điều tra giữa các Cơ quan điều tra khác hệ, trong cùng hệ và giữa CQĐT và Cơ quan khác, giữa các Cơ quan khác với nhau. Ngoài ra, ngay trong cùng một hệ CQĐT và Cơ quan khác, việc phân định thẩm quyền tố tụng giữa cấp trên và cấp dưới, việc chuyển giao vụ án, rút vụ án lên để điềutra...cũng còn tồn tại nhiều bất hợp lý, cần sớm được giải quyết.

Đề xuất xây dựng CQĐT với hạt nhân là Điều tra viên (mà thực chất là tương tự CQĐT dự thẩm ở một số nước) như đã nêu, nhiều vấn đề về thẩm quyền điều tra sẽ được giải quyết,vềdanh nghĩa, chúng ta vẫn có Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an nhân dân, CQĐT an ninh, CQĐT hình sự trong Quân đội nhân dân. Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ không còn CQĐT và thay vào đó, theo tôi, nên thành lập các Viện công tố thuộc VKS. Cũng như ở CQĐT, nhân vật trung tâm trong Viện công tố sẽ là các Công tố viên. Trong trường hợp này, chính Viện công tố và các Công tố viên sẽ là người điều hòa, tập trung và chỉ đạo điều tra.

Khi đã có Cơ quan công tố độc lập thuộc VKS thì các mối quan hệ tố tụng hiện nay giữa Cơ quan khác với CQĐT sẽ chuyển thành quan hệ giữa Cơ quan khác với Cơ quan công tố. Các Công tố viên sẽ cùng cộng tác, chỉ đạo và cùng chịu trách nhiệm về kết quả điều tra không chỉ với CQĐT mà cả với Cơ quan khác. Dĩ nhiên, như đã nêu, hoạt động điều tra, hoạt động điều hoà, chỉ đạo điều tra của Viện công tố và của Công tố viên cũng chịu sự kiểm sát điều tra của VKS hữu quan.

(Nguồn: Tiến sĩ Trần Đình Nhã - Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội)


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].