Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền cơ bản của công dân. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền cơ bản này của công dân đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 126 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân như sau: “1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân có các dấu hiệu pháp lý sau:

1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm này xâm phạm đến quyền bầu cử và ứng cử của công dân, là hai trong những quyền được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.

2. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), và có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, dựa trên khung hình phạt quy định tại Điều luật này thì chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

3. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm này là hành vi cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Đây là hành vi ngăn chặn, gây khó khăn để không cho người khác thực hiện quyền bầu cử theo ý chí của họ hoặc người phạm tội đã buộc người khác phải thực hiện quyền bầu cử, ứng cử trái với ý chí của họ bằng một trong các thủ đoạn:

- Lừa gạt người khác: là việc dùng các thủ đoạn gian dối, trái pháp luật làm cho người khác tin và làm cho người khác không thực hiện được hoặc không thực hiện đúng hoặc đầy đủ quyền bầu cử, quyền ứng cử của mình.

- Mua chuộc: là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để lôi kéo người khác làm theo ý mình, làm cho người khác không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng quyền bầu cử, quyền ứng cử của họ.

- Cưỡng ép: là hành vi dùng quyền lực hăm dọa, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ép buộc người khác không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền bầu cử, quyền ứng cử của họ.
- Thủ đoạn khác là những thủ đoạn không phải là lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép, nhưng vẫn cản trở quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân.

Hậu quả của tội phạm này là những thiệt hại về quyền con người được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, mà cụ thể là quyền bầu cử, quyền ứng cử bị xâm phạm. Tuy nhiên, hậu quả của hành vi không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm bắt buộc đối với loại tội phạm này.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân được thực hiện do cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Mục đích của người phạm tội là nhằm cản trở được người khác thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của họ.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].