Vấn đề uỷ quyền trong tố tụng hình sự

Những năm gần đây việc thực hiện uỷ quyền trong tố tụng hình sự ở cả ba cấp của ngành Kiểm sát đã bộc lộ nhiều vấn đề vướng mắc đòi hỏi cần xem xét giải quyết những mâu thuẫn trong nhận thức và áp dụng do thực tiễn đặt ra.

Uỷ quyền cho cấp dưới thực hành quyền công tốkiểm sát xét xử là vấn đề không mới bởi nó đã tồn tại từ rất lâu trong hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, những năm gần đây việc thực hiện uỷ quyền trong tố tụng hình sự ở cả ba cấp của ngành Kiểm sát đã bộc lộ nhiều vấn đề vướng mắc đòi hỏi cần xem xét giải quyết những mâu thuẫn trong nhận thức và áp dụng do thực tiễn đặt ra. Việc đặt vấn đề nghiên cứu tổng kết cả lý luận và thực tiễn về hoạt động này từ trước tới nay cũng hầu như chưa có, mới đây nhất có hai số Tạp chí Kiểm sát (số 11 và 12) có đề cập đến vấn đề này dưới nhiều góc độ, đặc biệt được bàn khá nhiều trong tạp chí Kiểm sát số 12 (6/2007). Qua nghiên cứu thấy các bài viết phản ánh khá đầy đủ những vướng mắc trong việc thực hiện việc uỷ quyền trong tố tụng hình sự, phân tích chính xác nguyên nhân của những yếu kém trong việc giải quyết án uỷ quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự trong ngành Kiểm sát và nêu lên những quan điểm hoàn toàn khác nhau về vấn đề này.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một quan điểm nhận thức rất mới được nhiều người trong giới luật gia và người tiến hành tố tụng quan tâm bàn luận khá nhiều về vấn đề uỷ quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự trong tạp chí Kiểm sát số 12 đó là về căn cứ và phạm vi uỷ quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự đã được tác giả Hồ Đức Anh đề cập khá sâu sắc và từ việc phân tích các cơ sở lý luận, thực tiễn về phạm vi uỷ quyền, tác giả đã đưa quan điểm đề xuất rất mới nhưng thiết thực trên phương diện tư duy lý luận và thực tiễn; tác giả đã kiến nghị:

Về phương diện tư duy, chúng ta cần nhận thức thống nhất việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển vụ án do mình thực hành công tố và kiểm sát điều tra cho Viện kiểm sát cấp tỉnh là để thực hành công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền, mà không phải là sự uỷ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm như thường gọi từ trước đến nay;

Về phương diện luật thực định, Bộ luật Tố tụng Hình sự cần phải được bổ sung điều luật mới điều chỉnh mối quan hệ giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới, phát sinh trong việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát cấp dưới để thực hành công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm. Việc bổ sung này sẽ tạo ra căn cứ pháp lý vững chắc để Kiểm sát viên có thể viện dẫn khi cần tranh luận và đối đáp với người tham gia tố tụng khác tại phiên toà;

Về phương diện nghiệp vụ, các quy chế về công tác thực hành công tố và kiểm sát điều tra, xét xử hình sự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần được nghiên cứu sửa đổi về nội dung quy định về quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành công tố tại phiên toà, khi phát sinh tình tiết mới theo hướng có lợi cho bị cáo trong vụ án do Viện kiểm sát cấp trên chuyển đến để thực hành công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, theo tinh thần không được trái với các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự nhưng vẫn bảo đảm sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên”.

Đây là nội dung được nhiều người đặc biệt quan tâm bởi nếu quan điểm của tác giả là đúng thì nó đã làm thay đổi những tư duy cũ về vấn đề uỷ quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự mà chúng ta đã thực hiện từ trước đến nay; đặc biệt các dự thảo Quy chế Kiểm sát điều tra, xét xử cũng như đề xuất sửa đổi các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự sắp tới sẽ có những nhận thức khác biệt. Trên thực tế, chúng ta đã có nhiều vụ án khi được “uỷ quyền”, Kiểm sát viên cấp dưới đã làm tốt vai trò của mình tại phiên toà và giải quyết tốt vụ án. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng việc uỷ quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự cho thấy có rất nhiều bất cập kể cả nhận thức lý luận và thực tiễn áp dụng nhưng chưa được tổng kết thực tiễn, chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc để từ đó có giải pháp cụ thể. Khi vấn đề này chưa được nhận thức thống nhất về mặt lý luận thì trong thực tiễn áp dụng sẽ gặp vướng mắc, đặc biệt là đối với Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, không chỉ lúng túng, bị động, mà Kiểm sát viên còn có thể xử lý không đúng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ngành khi “cãi cùn” với Luật sư trước “công đường” trong việc thực hiện các vụ án được “uỷ quyền”; cũng có hiện tượng Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, đúng chức trách của Kiểm sát viên về tính độc lập và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi thực hành quyền công tố tại phiên toà như: Rút quyết định truy tố đề nghị Toà án tuyên bị cáo không phạm tội, rút quyết định truy tố và chuyển sang một tội danh, khung hình phạt khác nhẹ hơn… nếu ở một vụ án bình thường thì có lẽ không có gì bàn cãi khi Kiểm sát viên quyết định đúng và tự chịu trách nhiệm, nhưng nếu là một vụ án nhận “uỷ quyền” khi chưa có ý kiến của cấp trên thì rõ ràng Kiểm sát viên đã vi phạm quy định của Ngành! và thực tế cũng đã có Kiểm sát viên bị kỷ luật vì lý do này.

Quả thật chúng ta đã có sự nhầm lẫn về hai khái niệm “uỷ quyền” và “chuyển vụ án”, việc từ trước đến nay Viện kiểm sát cấp trên (Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cấp tỉnh) có “uỷ quyền” để cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về bản chất phải được coi là chuyển vụ án theo thẩm quyền (Điều 174 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Mà nếu xác định chính xác đó chính là việc chuyển vụ án để Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thì các trình tự và thẩm quyền ban hành cáo trạng cũng nên xem xét lại.

Chúng tôi nhất trí cơ bản với quan điểm của tác giả Hồ Đức Anh như đã nêu trên về nội dung: Do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định Toà án nhân dân tối cao không có thẩm quyền xét xử hình sự sơ thẩm các vụ án nên Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng không có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại các phiên toà hình sự sơ thẩm và vì không có thẩm quyền này nên Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng không phải là chủ thể của việc “uỷ quyền” cho các Viện kiểm sát cấp tỉnh trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Tác giả chưa đề cập đến việc uỷ quyền của Viện kiểm sát cấp tỉnh, về nội dung này quan điểm của chúng tôi thấy rằng: Tương tự như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tất cả các vụ án mà Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đã “uỷ quyền” cho cấp huyện từ trước đến nay thực chất cũng chỉ là chuyển vụ án và chúng ta đã đặt cho nó cụm từ “uỷ quyền” và thực tế đã phát sinh khá nhiều vướng mắc, lúng túng khi thực hiện việc uỷ quyền tại các phiên toà. Việc “uỷ quyền” của cấp tỉnh cũng cần phải nhận thức lại bởi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng không có thẩm quyền uỷ quyền đối với các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của cấp huyện và đã là không thuộc thẩm quyền của mình thì tại sao lại “uỷ quyền” cho đơn vị khác! Theo chúng tôi, cần nghiên cứu các quy định có liên quan của Bộ luật Tố tụng Hình sự và trước mắt cần sửa đổi hệ thống quy chế liên quan, đặc biệt lưu ý đến việc phát huy tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm, tạo điều kiện để Kiểm sát viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đang tiệm cận tới rất gần việc hoàn thành tăng thẩm quyền cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện theo lộ trình cải cách tư pháp đã đặt ra. Những năm vừa qua, do thực hiện quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự về lộ trình tăng thẩm quyền, các Viện kiểm sát cấp tỉnh cũng đã chuyển khá nhiều vụ án hình sự và uỷ quyền cho cấp huyện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm. Giai đoạn “quá độ” này sẽ kết thúc vào năm 2009 khi thực hiện theo đúng lộ trình quy định; tất nhiên khi đã thực hiện đồng bộ tăng thẩm quyền thì các việc về chuyển vụ án giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án các cấp vẫn còn. Bởi vậy, cần nghiên cứu thực hiện tốt các quy định về việc chuyển vụ án; trong những năm vừa qua, chúng ta cũng chưa đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, giải quyết tốt hoạt động này; từ hoạt động thực tiễn cho thấy có những vướng mắc tuy không lớn nhưng các đơn vị chưa có kinh nghiệm giải quyết phù hợp. Đó là hiện tượng “tranh chấp” về thẩm quyền do Viện kiểm sát và Toà án các cấp không thống nhất được về thẩm quyền hoặc không xử lý tốt việc nhận các vụ án do đơn vị khác chuyển đến khi vụ án đã thuộc phạm vi giải quyết của mình. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì thẩm quyền điều tra và kiểm sát điều tra gắn với thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp (Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự); Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 tuy có mở rộng thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp Trung ương về việc điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp nhưng theo quy định tại Điều 170 thì giới hạn của việc xét xử theo thẩm quyền được quy định rất rõ ràng và về nguyên tắc vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp nào thì vụ án phải được chuyển đến cấp đó. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì “trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Toà án phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị cáo và những người có liên quan trong vụ án”. Tuy vậy, việc thực hiện lại gặp nhiều vướng mắc, có những cách xử lý tưởng như rất đơn giản nhưng các đơn vị lại thiếu kinh nghiệm, rất lúng túng trong việc xử lý các hoạt động tiến hành tố tụng, thậm chí còn để kéo dài thời hạn giải quyết vụ án không cần thiết. Cũng đã có ý kiến về việc Viện kiểm sát cấp nào ban hành cáo trạng thì hợp lý hơn; cũng đã đặt ra vấn đề ngược lại: Khi Toà án cấp trên xét thấy cần rút một vụ án hình sự lên để xét xử thì Viện kiểm sát có cần thay đổi cáo trạng không? bởi cáo trạng cũ là do cấp dưới truy tố bị can để xét xử tại Toà án địa phương mình, nay Toà án khác xét xử tức là nội dung “truy tố bị can ra trước Toà án…” đã không còn phù hợp; khi tình huống này xảy ra, một số Viện kiểm sát đã lúng túng về nhận thức do không hiểu đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Quy chế kiểm sát điều tra và đã thay đổi lại bản cáo trạng.
(Nguồn:VKSND tỉnh Nghệ An - TCKS số 17/2007)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].