Vứt bỏ con mới đẻ có phạm tội không?

Hành vi của người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ đứa con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi là hành vi nguy hiểm.

Con cái luôn là điều tuyệt với đối với mỗi người mẹ. Tuy nhiên, không phải trong tất cả mọi hoàn cảnh người mẹ đều mong đứa con của mình ra đời. Nguyên nhân có thể do nhận thức, điều kiện kinh tế hoặc do đứa con đó là kết quả ngoài ý muốn hay hành vi phạm tội của chính bố đứa bé. Vì vậy, thực tế không ít trường hợp xảy ra trường hợp người mẹ vứt bỏ chính đứa con mới đẻ của mình, mà không hề biết rằng hành vi đó có thể khiến mình vướng vào vòng lao lý.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Căn cứ pháp lý

Khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: "2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".

Như vậy, hành vi vứt bỏ con mới đẻ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các yếu tố cấu thành tội vứt bỏ con mới đẻ

(i) Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan: Hành vi của người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ đứa con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đứa trẻ trong vòng 07 ngày tuổi là một đứa trẻ sơ sinh, còn đang rất yếu, cần có sự chăm sóc của người lớn, đặc biệt là người mẹ. Vì vậy, việc vứt bỏ một đứa trẻ trong vòng 07 ngày tuổi là một hành động rất nguy hiểm cho tính mạng của đứa trẻ.

Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, như sợ dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú… Trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt chi phối là trong hoàn cảnh khách quan, như đứa trẻ sinh ra có khuyết tật, dị dạng…

Nếu đứa con bị vứt bỏ đã trên 07 ngày tuổi thì tùy vào ý thức chủ quan của người phạm tội mà người phạm tội có thể bị truy cứu về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự hoặc tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Hậu quả: Tội vứt con mới đẻ hoàn thành khi đứa con bị vứt bỏ chết. Vì vậy, hậu quả là điều kiện bắt buộc của tội phạm. Nếu đứa con bị vứt bỏ mà được người khác đem về chăm sóc, nuôi dưỡng thì người mẹ đã vứt bỏ đứa con không phạm tội.

(ii) Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội vứt bỏ con mới đẻ là tính mạng của con người. Quyền sống là quyền con người luôn được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ, không ai được phép xâm phạm đến quyền được sống của người khác. Hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ bị chết là hành vi tước đoạt đi tính mạng của người khác.

(iii) Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm của tội vứt bỏ con mới đẻ có thể thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

Lỗi cố ý trong trường hợp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: 3 giờ sáng A đem con 6 ngày tuổi đến cổng chùa để, sau đó đi về. Khi về đến nhà thấy trời có dấu hiệu mưa, biết rằng để đứa trẻ dưới trời mưa sẽ dẫn đến đứa trẻ bị chết, nhưng do không muốn mang đứa trẻ về nên A không quay lại cứu đứa trẻ mà để mặc, chấp nhận hậu quả đứa trẻ bị chết.

Lỗi vô ý trong trường hợp, người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Tội phạm xảy ra trong trường hợp này khi người mẹ tin tưởng rằng đứa bé sẽ sống được đến lúc có người thấy và mang về nuôi.

Động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu trong cấu thành cơ bản của tội phạm.

(iv) Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là người mẹ để ra đứa con, từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Người xúi giục người mẹ giết con mới đẻ bị xử lý là đồng phạm tội này.

Người không phải là mẹ của đứa trẻ mới đẻ mà giết đứa trẻ đó thì bị xử lý về tội giết người với tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là “giết người dưới 16 tuổi“.

Luật gia Nguyễn Thị Phương Hoa - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, hoặc phổ biến kiến thức pháp luật;
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].