Việc sửa chữa, bổ sung bản án được pháp luật quy định tại điều 261 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực pháp lý từ ngày 01/01/2018)
Bản án là Văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Bản án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cho nên nội dung của nó phải phản ánh những kết quả của phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá của hội đồng xét xử. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ viết bản án. Nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan của vụ án pháp luật quy định chặt chẽ trong việc sửa chữa, bổ sung bản án hình sự.
Điều 261 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2105 quy định về việc sửa chữa, bổ sung bản án như sau:
“1. Không được sửa chữa, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án được thể hiện bằng văn bản và giao ngay cho những người được quy định tại Điều 262 của Bộ luật này.
2. Việc sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại khoản 1 Điều này do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định thực hiện. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc sửa chữa, bổ sung bản án do Chánh án Tòa án đã xét xử vụ án đó thực hiện.”
Các trường hợp được sửa chữa, bổ sung bản án:
Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây:
- Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự,...
- Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai,... mà phải sửa lại cho đúng.
Nguyên tắc sửa chữa, bổ sung bản án:
Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Việc sửa chữa, bổ sung phải được thông báo ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung; và phải được thể hiện bằng văn bản và giao ngay cho những người được quy định tại Điều 262 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thẩm quyền sửa chữa, bổ sung bản án
Việc sửa chữa, bổ sung bản án phải do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định thực hiện. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc sửa chữa, bổ sung bản án do Chánh án Tòa án đã xét xử vụ án đó thực hiện.
Như vậy, về nguyên tắc, pháp luật hiện hành không cho phép sửa chữa, bổ sung làm thay đổi nội dung của bản án sau khi đã tuyên án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, cụ thể là khi phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai thì đích thân Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án đó thực hiện việc sửa chữa, bổ sung.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận