Bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án được quy định tại Điều 329 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015
Bắt giam bị cáo sau khi tuyên án là một trong những biện pháp ngăn chặn để bảo đảm thi hành án, do đó đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đặc biệt là ở giai đoạn xét xử phải xem xét một cách toàn diện và đầy đủ để ra một quyết định chính xác.
Căn cứ pháp lý về bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án
“Điều 329. Bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án
1. Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này.
2. Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
3. Thời hạn tạm giam bị cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.
4. Trường hợp bị cáo bị xử phạt tử hình thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.”
Các trường hợp tạm giam đối với bị cáo
Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù và đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án. Như vậy, căn cứ để Hội đồng xét xử quyết định biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị cáo là bị cáo đang bị tạm giam trước khi xét xử và bị Hội đồng xét xử quyết định phạt tù.
Ngoài trường hợp đến ngày kết thúc phiên tòa thờihạn tạm giam thực sự đã hết (ví dụ: trường hợp Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa để hoàn thành việc xét xử), thì cũng được coi là thời hạn tạm giam đã hết, nếu thời hạn tạm giam tuy đang còn, nhưng không đủ để thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo.
Trường hợp bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc bị cáo bị phạt tù nhưng thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam thì Hội đồng xét xử không được áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ.
Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt, tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
Thời hạn tạm giam bị cáo
Nếu bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù mà sau khi trừ đi thời gian tạm giam, thời hạn hình phạt tù còn lại từ 45 (bốn mươi lăm) ngày trở lên, thì quyết định tạm giam của Hội đồng xét xử ghi thời hạn tạm giam là 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án. Nếu thời hạn hình phạt tù còn lại dưới 45 (bốn mươi lăm) ngày, thì quyết định tạm giam ghi thời hạn tạm giam bằng thời hạn hình phạt tù còn lại, kể từ ngày tuyên án và cần ghi thêm: “hết thời hạn tạm giam này, Trại tạm giam có trách nhiệm trả tự do ngay cho bị cáo, nếu họ không bị giam, giữ về hành vi phạm pháp luật khác”.
Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Thời hạn tạm giam bị cáo trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.
Đối với bị cáo bị phạt tử hình thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án. Trong trường hợp này, thời hạn tạm giam là vô thời hạn. Đây là quy định mới bổ sung cho khiếm khuyết của Bộ luật cũ khi không quy định biện pháp tạm giam đối với bị cáo bị tuyên phạt tử hình.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected].
Bình luận