Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là các tình tiết được quy định trong phần chung Bộ luật hình sự với tính chất là tình tiết giảm nhẹ chung hoặc là tình tiết được ghi nhận trong văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hay do Tòa án tự xem xét, cân nhắc

Hỏi: Em chưa hiểu rõ quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đề nghị Luật sư tư vấn giúp em ạ? ( Thanh Mai – Nam Định)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phùng Thị Huyền - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:


Liên quan tới vấn đề anh (chị) hỏi, chúng tôi xin trích dẫn quy định tại khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: “1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết…” .
Cụ thể:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn,làm giảm bớt tác hại của tội phạm

- “Ngăn chặn tác hại của tội phạm” là khi tội phạm đã được thực hiện và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động của khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để ngăn chặn không cho tác hại của tội phạm xảy ra.

- “Làm giảm bớt tác hại của tội phạm” là khi tội phạm đã được thực hiện, tác hại của tội phạm đang xảy ra và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để không cho tác hại của tội phạm xảy ra lớn hơn.

- Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thái độ của người phạm tội (tự mình hay có sự tác động, bắt buộc của người khác…); thực tế tác hại của tội phạm đã được ngăn chặn, được làm giảm bớt.

- Trong trường hợp cụ thể cần phân biệt giữa “tác hại” và “thiệt hại” để xác định đúng và áp dụng đúng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cụ thể.

- Ví dụ: A rủ B đi trộm cắp tài sản nhà bà C, sau khi lẻn vào nhà bà C, A đã lấy dao đe dọa bà C để yêu cầu bà C giao tài sản ra cho A, do thấy bà C đã già và nhận thức được hành vi của mình là sai nên B đã lao vào khống chế A không cho A thực hiện được hành vi phạm tội của mình. Khi ra Tòa xét xử, B được giảm khung hình phạt và cho được hưởng án treo do có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm.

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả: Đây là trường hợp tội phạm đã gây ra thiệt hại, gây ra hậu quả

- Người phạm tội phải tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động (khuyên bảo) hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người phạm tội sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

- “Sửa chữa” là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra.

- “Bồi thường” là bồi thường bằng tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

- “Khắc phục hậu quả” là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được.

- Trong một số trường hợp cụ thể cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” được hướng dẫn tại mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP ngày 12- 5- 2006.

- Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính tự nguyện; hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả; mức độ bồi thường thiệt hại

- Ví dụ: anh A đi xe máy do không để ý đã gây tai nạn dẫn tới cái chết của anh C, gia đình anh C đã gửi đơn khởi kiện ra cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự của anh A. Trong thời gian đợi quyết định khởi tố vụ án, anh A đã tới gia đình anh C để xin được bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân và được gia đình nạn nhân chấp nhận. Hơn nữa, anh A còn mong muốn nhận bố mẹ anh C làm bố mẹ nuôi để thực hiện nghĩa vụ chăm sóc thay anh C, tuy nhiên gia đình anh C không đồng ý. Nhận thấy anh C có thái độ sửa chữa sai lầm nên gia đình anh C đã quyết định rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận do anh A đã có hành vi tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phối hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (Điều 15 BLHS).

- Ví dụ: Chị B và anh D có quan hệ yêu đương với nhau nhưng do anh D là người hay ghen tuông nên thường xuyên đánh chị và còn nhiều lần đe dọa giết chị khi thấy chị đi uống nước với người đàn ông khác. Đỉnh điểm là 2 ngày trước anh D đã cầm dao kề vào cổ chị B, chị B vùng ra được và cướp dao của anh D, trong lúc giằng co do không để ý vật cản dưới nền đất nên anh D và chị B cùng bị ngã ra sàn nhà dẫn tới việc con dao đã đâm vào bụng anh D. Anh D đã tử vong ngay sau đó do mất quá nhiều máu. Khi ra Tòa, xét thấy hành vi của chị B là hành vi phòng vệ chính đáng tuy nhiên quá mức giới hạn nên Tòa án cho chị B hưởng tình tiết giảm nhẹ này vào trong khung hình phạt.

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây ra một thiệt hại, nhưng thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của thiệt hại cần được ngăn ngừa (Điều 16 BLHS).

- Ví dụ: anh A thấy anh B cầm dao chạy đuổi theo và đòi giết anh D, trong lúc rối trí chưa biết làm gì để ngăn chặn hành vi này nên anh A đã cầm gậy đánh vào đầu anh B nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội của anh B. Tuy nhiên, do anh A đánh quá mạnh lại vào chỗ hiểm dẫn tới việc anh B bị tử vong ngay tại chỗ. Khi ra Tòa xét xử xét thấy anh A phạm tội do vượt quá tình thế cấp thiết nên Tòa đã cho anh A hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nguồn tham khảo: http://www.asianlii.org
Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.