Để hiểu những biểu hiện của mục đích chiếm đoạt, hành vi chiếm đoạt cần hiểu được khái niệm chiếm đoạt. Khái niệm chiếm đoạt cần phải bao quát cả ở khía cạnh hành vi phạm tội và mục đích phạm tội. Dựa vào những cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt được quy định trong Bộ luật Hình sự có thể hiểu“chiếm đoạt là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang được sự quản lí của chủ tài sản thành tài sản của mình”.
(ii) Về biểu hiện của mục đích chiếm đoạt
Mục đích chiếm đoạt là yếu tố bắt buộc trong cấu thành các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, biểu hiện mục đích chiếm đoạt của các tội này không phải đều giống nhau. Tùy thuộc vào từng tội cụ thể mà mục đích phạm tội xuất hiện trước khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội, trong khi thực hiện hành vi phạm tội hoặc sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
Chẳng hạn, đối với tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, do đây là các tội có cấu thành hình thức nên khi người phạm tội có hành vi mà điều luật mô tả thì tội phạm đã hoàn thành. Trong khi theo lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm thì khi tội phạm ở giai đoạn hoàn thành (tội phạm hoàn thành) thì hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm nên không cần thêm bất cứ dấu hiệu nào khác. Cho nên, mục đích chiếm đoạt trong các tội này chỉ có thể xuất hiện trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội.
Trường hợp mục đích chiếm đoạt xuất hiện sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì tùy từng tội mà có sự định tội danh khác nhau. Chẳng hạn, đối với hành vi dùng vũ lục, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nếu sau khi thực hiện hành vi người phạm tội mới có mục đích chiếm đoạt thì người phạm tội không phạm tội cướp tài sản mà có thể phạm tội giết người, cố ý gây thương tích, công nhiên chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản khi hành vi của người phạm tội đáp ứng mặt khách quan của từng tội tương ứng. Lập luận này cũng phù hợp với vấn đề chuyển hóa từ các tội cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản được quy định tại tiểu mục 6.2 mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999 (viết tắt là Thông tư liên tịch số 02). Đó là trường hợp “Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”. Bởi vì, trường hợp này, mục đích chiếm đoạt đã xuất hiện trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để giữ cho được tài sản khi tẩu thoát.
Đối với hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà sau khi thực hiện hành vi mới có mục đích chiếm đoạt thì sẽ có sự chuyển hóa từ tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật sang tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhưng mục đích chiếm đoạt có trong hoặc sau khi thực hiện hành vi thì thì từng trường hợp sẽ có sự chuyển hóa từ tội có hành vi khách quan tương tự hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản như: tội khủng bố , tội bức tử, tội cưỡng dâm, tội cưỡng trẻ em, tội cưỡng ép kết hôn sang tội cưỡng đoạt tài sản.
Riêng đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt phải gắn liền với các hành vi dùng thủ đoạn gian dối, bỏ trốn hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản sau khi có được tài sản thông qua hợp đồng hợp pháp. Nếu mục đích chiếm đoạt có trước hoặc vào thời điểm nhận tài sản qua hợp đồng thì người thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
(iii) Về biểu hiện của hành vi chiếm đoạt
Hành vi chiếm đoạt, xét về mặt khách quan là hành vi làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình và tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó. Như vậy, chiếm đoạt xét về mặt thực tế là quá trình vừa làm cho chủ tài sản mất tài sản vừa tạo cho người chiếm đoạt có tài sản đó. Quá trình này xét về mặt pháp lí không làm cho chủ sở hữu mất quyền sở hữu của mình mà chỉ làm mất khả năng thực tế thực hiện các quyền cụ thể của quyền sở hữu. Hành vi chiếm đoạt với nội dung là quá trình như vậy được thể hiện ở những dạng hành vi cụ thể khác nhau, tuỳ thuộc vào mối quan hệ cụ thể giữa người chiếm đoạt và tài sản chiếm đoạt cũng như vào hình thức chiếm đoạt cụ thể.
Việc xác định hành vi chiếm giữ có trái pháp luật hay không cần dựa vào quy định của pháp luật dân sự. Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự, “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.
Để chiếm đoạt tài sản tạo ra khả năng làm mất quyền sở hữu của chủ sở hữu và tạo ra quyền sở hữu cho mình, người phạm tội phải chiếm hữu tài sản một cách trái pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không quy định thế nào là chiếm hữu trái pháp luật mà quy định hành vi chiếm hữu hợp pháp. Vì vậy, để xác định hành vi chiếm hữu của người phạm các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt cần phải xác định việc chiếm hữu của người phạm tội không thuộc các trường hợp chiếm hữu hợp pháp này.
Xem xét việc chiếm đoạt là một quá trình vào quy định đối với từng tội phạm cụ thể thấy rằng, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để thực hiện được hành vi phạm tội, người phạm tội nhận tài sản từ người phạm tội nên quá trình thực hiện hành vi chiếm đoạt qua đúng quy trình bên trên. Tức là, người phạm tội tiếp cận tài sản qua việc dùng thủ đoạn gian dối, chiếm giữ tài sản rồi thực hiện việc chiếm đoạt.Đối với các tội cướp giật tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản, người phạm tội không nhận tài sản từ người phạm tội và người phạm tội chiếm giữ tài sản trước sự chứng kiến của người bị hại nên quá trình thực hiện hành vi chiếm đoạt thông qua các giai đoạn tiếp cận tài sản, thực hiện hành vi chiếm giữ cũng là hành vi chiếm đoạt, tức hành vi chiếm giữ và hành vi chiếm đoạt là một.Đối với tội trộm cắp tài sản, người phạm tội không nhận tài sản từ người phạm tội và việc chiếm giữ tài sản không có sự chứng kiến của người bị hại nên quá trình thực hiện hành vi chiếm đoạt chỉ có việc tiếp cận, thực hiện hành vi chiếm đoạt mà không có hành vi chiếm giữ tài sản. Chính vì vậy, trong khoa học luật hình sự, thực tiễn xét xử thống nhất, tội trộm cắp tài sản là tội mà dấu hiệu chiếm đoạt thể hiện qua việc người phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Để đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt, được thể hiện qua 03 mức độ sau: (1) Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã dấu được tài sản trong người; (2) Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản; (3) Nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu.
Việc xác định chính xác hành vi chiếm đoạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành (không xem xét dấu hiệu giá trị tài sản chiếm đoạt cũng như các dấu hiệu khác về bị xử phạt vi phạm hành chính, có tiền án về hành vi chiếm đoạt…) đối với các tội mà dấu hiệu chiếm đoạt thuộc hành vi khách quan của tội phạm. Tùy vào từng tội cụ thể mà thời điểm hoàn thành của tội phạm là khác nhau. Bên cạnh đó, khi xem xét thời điểm hoàn thành của tội phạm cần có sự phân biệt giữa thời điểm tội phạm hoàn thành với thời điểm tội phạm kết thúc. Theo khoa học luật hình sự, thời điểm tội phạm kết thúc là thời điểm hành vi phạm tội đã thực sự chấm dứt; tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Phạm vi hành nghề của luật sư trong lĩnh vực hình sự:
(i) Dịch vụ tranh tụng: Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo) và người bị tố giác (tố cáo); người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp;
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
(ii) Tư vấn pháp luật: Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng trong lĩnh vực hình sự.Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực pháp lý có liên quan đến lĩnh vực hình sự: hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, tài chính, kế toán… và nhiều lĩnh vực khác.
(iii) Đại diện theo ủy quyền: Trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể đại diện cho khách hàng ngoài tố tụng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
(iv) Dịch vụ pháp lý khác: Liên quan tới lĩnh vực hình sự, luật sư giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc về thủ tục hành chính, tư pháp; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch; giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định.
Bài viết thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật1900 6198, E-mail:[email protected].
Bình luận