Án treo là biện pháp thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, giúp khuyến khích người bị kết án rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lao động tại cộng đồng với sự giúp đỡ tích cực của xã hội gia đình.
Theo Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về chế định Án treo tại Điều 65 như sau:
- Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự. - Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
- Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
- Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
- Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Về điều kiện để xem xét cho người bị phạt tù được hưởng án treo theo quy định pháp luật:
- Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
- Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật;
- Có nơi cư trú rõ ràng, cụ thể;
- Không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS và có từ 02 tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS; nếu có 01 tình tiết tăng nặng TNHS thì phải có từ 03 tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên, trong đó có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS;
- Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.
Về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo.
Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo, cụ thể như sau:
- Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
- Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo, thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
- Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
- Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng tòa án cấp giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm
- Trường hợp tòa án cấp sơ thẩm, tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm và phúc thẩm bị hủy để điều tra lại và sau đó xét xử sơ thẩm lại và sau đó xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại vẫn cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm hoặc ngày tuyên án phúc thẩm lần sau theo các khoản trên.
Luật gia Nguyễn Thu Trang - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, hoặc phổ biến kiến thức pháp luật;
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, Email: [email protected].
Bình luận