Tội phạm về chức vụ quy định tại Chương XXIII Bộ luật hình sự là các tội phạm có cùng tính chất xâm phạm đến khách thể loại là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
Căn cứ pháp lý về khái niệm tội phạm về chức vụ
Theo quy định tại điều 352, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về khái niệm tội phạm về chức vụ như sau:
“(1) Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tố chức do người có chức vụ thực hiện trong khỉ thực hiện công vụ, nhiệm vụ. (2) Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.
Khái niệm tội phạm về chức vụ
Điều 352 đã quy định khái quát khái niệm tội phạm về chức vụ quy định tại Chương XXIII Bộ luật hình sự. Đây là một nhóm tội phạm có cùng tính chất xâm phạm đến khách thể loại là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
Các tội ở chương XXIII xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hộ và các tổ chức kinh tế.
Một trong nhưng yêu cầu đối với các hoạt động của cơ quan trên là phải đảm bảo đúng pháp luật. Nhưng các tội phạm có chức vụ được thực hiện đã làm cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức trái pháp luật, ngược lại với đòi hỏi của pháp luật từ đó ảnh hưởng hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Cơ quan tổ chức ở đây là cơ quan trong bộ máy nhà nước, các cơ quan khác trong hệ thống chính trị như các cơ quan của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội như: Đảng Cộng sản, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu Chiến binh, Hội Nông dân; các cơ quan thuộc tổ chức xã hội như Hội Người mù, Hội chữ thập đỏ; các tổ chức kinh tế như các doanh nghiệp...
Để xâm phạm đến khách thể là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, tuyệt đại đa số các chủ thể của các tội phạm về chức vụ là chủ thể đặc biệt tức là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tổ chức (trừ 3 tội Đưa hối lộ (Điều 364), Môi giới hối lộ (Điều 365 BLHS) và tội Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ để trục lợi (Điều 366) là có chủ thể thường.
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
So sánh với khái niệm tội phạm chức vụ tại Bộ luật hình sự năm 1999
So với Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 đã mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm chức vụ. Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ giới hạn đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực công (do cán bộ, công chức nhà nước thực hiện), mà chưa có sự ghi nhận về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư, bao gồm cả các tội phạm về chức vụ trong khu vực tư (ngoài Nhà nước).
Bộ luật hình sự năm 2015 đã có sự điều chỉnh kịp thời, mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ trong khi thực hiện "công vụ" (đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan Nhà nước), mà còn là người có chức vụ trong khi thực hiện "nhiệm vụ" (tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước).
Điều này xuất phát trên các căn cứ:
- Do tính chất nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của tham nhũng trong khu vực tư, trong bôi cảnh hội nhập, yêu câu phải tăng cường mạnh mẽ các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực công mà trong cả lĩnh vực tư, bảo đảm sự tương thích với Công ước chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam là thành viên.
- Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta cho thấy các hành vi tham nhũng có xu hướng không chỉ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn mà có sự tham gia của cá nhân, tổ chức ở ngoài khu vực nhà nước dưới nhiều hình thức...
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa có các quy định pháp luật cần thiết áp dụng cho hành vi phạm tội của các chủ thể này.
Các tội phạm về chức vụ quy định tại Chương XXIII Bộ luật hình sự năm 2015 chia làm hai nhóm: Các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ (không tính chất tham nhũng).
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận