Sự phát triển của pháp luật tố tụng hình sự từ năm 1945 đến nay được chia ra làm 3 giai đoạn đó là từ năm 1945 đến năm 1975, từ năm 1975 đến năm 1988 và từ năm 1988 đến nay.
Sự phát triển của luật tố tụng hình sự được chia ra thành các giai đoạn dựa trên hoàn cảnh lịch sử và những bước phát triển lớn của pháp luật tố tụng hình sự.
Giai đoạn thứ nhất từ năm 1945 đến năm 1975
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, để bảo đảm cho việc xử lí tội phạm được kịp thời, Nhà nước đã ban hành sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945 quy định việc thành lập toà án quân sự và được bổ sung bằng sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946. Trong đó có quy định:
"Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử các tội phạm phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà".
Trong khi tiến hành xét xử, các toà án quân sự đã quán triệt chính sách trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục và cải tạo. Ban đầu, việc xét xử những vụ án hình sự thường do Ủy ban nhân dân đảm nhiệm. Sau đó theo sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946, các vụ án này do toà án thường xét xử với sự tham gia của phụ thẩm nhân dân. Sắc lệnh số 85 ngày 22/5/1950 đổi tên toà án thường thành toà án nhân dân v.v..
Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ở miền Bắc việc xây dựng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, trong đó có pháp luật tố tụng hình sự được quan tâm. Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng về tự do dân chủ như Luật số 103 SL/L005 ngày 20/5/1957 bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, đồ vật, thư tín của công dân.
Năm 1958, Quốc hội quyết định thành lập Toà án nhân dân tối cao và hệ thống các toà án địa phương, Viện công tố trung ương cùng hệ thống viện công tố các cấp. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Luật tổ chức toà án nhân dân năm 1960 và Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 1960 được ban hành. Chế độ bầu cử thẩm phán thay thế chế độ chính phủ bổ nhiệm thẩm phán.
Giai đoạn thứ hai từ năm 1975 đến năm 1988
Ở miền Nam sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ban hành sắc lệnh số 01 SL/76 ngày 15/3/1976 về tổ chức toà án nhân dân.
Khi Việt Nam thống nhất về mặt nhà nước thì hệ thống toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân trong cả nước được tổ chức, hoạt động theo Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân và Luật tổ chức toà án nhân dân ban hành năm 1960.
Năm 1980, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới. Trên cơ sở của Hiến pháp năm 1980, Luật tổ chức toà án nhân dân và Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 1981 thay thế Luật tổ chức toà án nhân dân và Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 1960.
Các văn bản pháp luật trên đã góp phần khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Giai đoạn thứ ba từ năm 1989 đến nay
Kế thừa và phát triển pháp luật tố tụng hình sự nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay với tinh thần đổi mới trên mọi mặt của đời sống xã hội, ngày 28/6/1988 tại kì họp thứ ba, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự .
Bộ luật này cố hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1989, để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự nhằm xử lí công minh, kịp thời tội phạm và người phạm tội.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều (lần thứ nhất) tại kì họp thứ bảy Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII và thông qua vào ngày 30/6/1990.
Sau một thời gian thi hành, căn cứ vào thực tiễn tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự và Hiến pháp năm 1992, để khắc phục những vướng mắc và thiếu sót trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX tại kì họp thứ hai đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (lần thứ hai) vào ngày 22/12/1992 cho phù hợp với tình hình mới và nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phù hợp với Hiến pháp năm 1992.
Với sự ra đời của Bộ luật Hình sự (được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2000), nhiều quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành liên quan không còn phù hợp nữa. Do vậy, ngày 09/6/2000 Quốc hội thông qua Luật sửa đồi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (lần thứ ba) nhằm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như phù hợp với tiến trình dân chủ và đổi mới của đất nước.
Tuy nhiên, ttong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cải cách tư pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 không còn phù hợp nữa và đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Với tinh thần các nghị quyết của Đảng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 được Quốc hội khoá XI tại kì họp thứ tư thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004.
Sau 12 năm thi hành, các quy định cùa Bộ luật Tố tụng hình sự đã tạo cơ sở pháp lí cho các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự, góp phần hạn chế oan, sai...Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng bộc lộ những vướng mắc, bất cập.
Vì vậy, với mục tiêu xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự khoa học, tiến bộ, có tính khả thi cao, là công cụ pháp lí sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected].
Bình luận