Thủ tục chuẩn bị khai mạc phiên tòa được quy định trong Điều 300 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015(có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).
Phiên tòa là Hình thức hoạt động xét xử của Tòa án. Tùy theo tính chất của thủ tục xét xử mà có phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.Trong các phiên tòa thì chuẩn bị khai mạc phiên tòa là một thủ tục đầu tiên không thể thiếu ở bất kỳ một phiên tòa nào.
“Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký Tòa án phải tiến hành các công việc:
1. Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do;
2. Phổ biến nội quy phiên tòa.”
Như vậy, trước khi chuẩn bị khai mạc phiên tòa thì thư ký Tòa án phải tiến hành kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu có người vắng mặt thì cần phải làm rõ lý do.
Việc kiểm tra căn cước của những người được triệu tập và có mặt tại phiên tòa
Thứ nhất, đối với bị cáo phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nơi tạm trú); nghề nghiệp; trình độ văn hóa; hoàn cảnh gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con); tiền án, tiền sự; ngày bị tạm giữ, tạm giam.
Thứ hai, đối với người đại diện hợp pháp của bị cáo phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi sinh; nơi cư trú; quan hệ thế nào với bị cáo.
Thứ ba, đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ phải hỏi họ để họ khai về: họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú. Trong trường hợp người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đên vụ án là cơ quan, tổ chức thì khai về: tên và địa chỉ trụ sở chính cùa cơ quan, tổ chức; họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú của người đại diện hợp pháp cho cơ quan, tổ chức.
Trong trường hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của người được triệu tập (đặc biệt là bị cáo) về căn cước của họ cố sự khác nhau thì cần phải xác định chính xác về căn cước của họ. Đốivới bị cáo thì ngoài việc ghi họ tên chính thức, cần phải ghi đầy đủ họ tên mà họ đã khai trong quá trình điều tra.
Bên cạnh đó Thư ký phiên tòa cũng phải phổ biến cho mọi người về nội quy phiên tòa để mọi người tuân theo đúng nội quy, tránh có những hành vi không đúng làm ảnh hưởng đến sự nghiêm túc của một phiên tòa.
Qua đây chúng ta đã biết được làm thế nào để Tòa án chuẩn bị khai mạc một phiên tòa, đây là thủ tục đầu tiên không thể thiếu trong mỗi phiên Tòa thủ tục bắt buộc đảm bảo cho phiên tòa được diễn ra theo đúng thời gian quy định, và đảm bảo có sự tham dự đầy đủ của những người tham gia tố tụng, kiểm tra lại xem có những trường hợp nào phải hoãn phiên tòa hay không, đồng thời còn nhằm xác lập trật tự của phiên tòa trước khi khai mạc.
1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3.Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected].
Bình luận