Người làm chứng có vai trò quan trọng trong vụ án nên có những quyền đặc biệt: thay đổi nhận dạng, giữ bí mật chỗ ở, cách ly người được bảo vệ và thực hiện các biện pháp hỏi kín người được bảo vệ.
Hỏi: Đề nghị Luật sư tư vấn, trong vụ án hình sự thì người làm chứng có thể được xét hỏi kín tại phòng riêng mà không tham gia xét hỏi công khai tại phiên tòa không? (Nguyễn Hoàng - Hà Nội) Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Theo Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định Điều về quyền được bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân như sau:
"Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.
Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật".
Theo Thông tư Liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/12/2013 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Viện kiểm sát Tòa án Nhân dân tối cao - Tòa án Nhân dân tối cao, các biện pháp bảo vệ có thể được áp dụng đối với người làm chứng (cả người thân thích của họ, gọi chung là người được bảo vệ) bao gồm:
- Bố trí lực lượng, phương tiện; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc để canh gác, bảo vệ (tại phiên tòa, nơi ở, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ, trên các phương tiện giao thông và các nơi cần thiết khác).
- Hạn chế phạm vi đi lại, quan hệ giao tiếp, thăm gặp, làm việc, học tập của người được bảo vệ trong một thời gian nhất định khi xét thấy mức độ tấn công hoặc xâm hại của tội phạm đối với người được bảo vệ ở mức nguy hiểm cao.
- Giữ bí mật việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội của người được bảo vệ khi họ yêu cầu hoặc xét thấy họ có thể bị nguy hiểm do việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu đó.
Tùy từng vụ án cụ thể, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người được bảo vệ như cấm ghi hình, ghi âm, chụp ảnh tại phiên tòa; không công bố họ tên, lai lịch của người được bảo vệ; cách ly người được bảo vệ và thực hiện việc hỏi kín đối với người được bảo vệ
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận