Những thay đổi về tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Trộm cắp tài sản là một loại tội phạm xảy ra nhiều và phổ biến nhất trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu. So với quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, Tội trộm cắp tài sản được sửa đổi một số nội dung về cả dấu hiệu định tội lẫn các tình tiết định khung hình phạt.

Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội trộm cắp tài sản như sau:

"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6218
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Các yếu tố cấu thành tội phạm

- Khách thể của tội phạm: Tội trộm cắp tài sản là một trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt. Do vậy cũng giống như các tội xâm phạm sở hữu khác, tội phạm này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản. Để gây thiệt hại đến các quyền sở hữu về tài sản, người phạm tội trộm cắp tài sản phải tác động đến tài sản của người chủ sở hữu. Như vậy, về nguyên tắc, đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản của người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp người chủ tài sản đã giao tài sản cho người khác quản lý như cho mượn, giữ hộ… nhưng sau đó lại có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của mình thì vẫn có thể cấu thành tội trộm cắp tài sản.

- Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản: là hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt này được phân biệt với hành vi chiếm đoạt của các tội khác bởi hai dấu hiệu. Đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.

+ Thứ nhất, dấu hiệu lén lút: Hành vi chiếm đoạt tài sản của tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút lấy đi tài sản của người khác. Điều đó có nghĩa là, hình thức thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Đồng thời, lén lút cũng có nghĩa là người phạm tội cố tình che giấu hành vi phạm tội của mình đối với người chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản khi phạm tội. Trong thực tiễn, có một số trường hợp, người phạm tội có ý định trộm cắp tài sản của người khác và đã thực hiện ý định đó. Tuy nhiên, trong khi đang thực hiện hành vi khách quan của tội này hoặc ngay sau đó người phạm tội lại bị phát hiện, người phạm tội không thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách lén lút nữa mà họ tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn khác thì hành vi phạm tội có thể cấu thành các tội khác tùy từng trường hợp cụ thể.

+ Thứ hai, dấu hiệu tài sản đang có chủ: Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là tài sản đang có chủ. Điều đó có nghĩa là tài sản còn nằm trong sự chiếm hữu của người chủ, tức là tài sản này đang chịu sự chi phối về mặt thực tế của người chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản. Người chủ tài sản có thể thực hiện các quyền sở hữu về tài sản như sử dụng, định đoạt tài sản… hoặc tài sản đang còn trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản.

Hành vi chiếm đoạt được tài sản chỉ coi là cấu thành Tội trộm cắp tài sản nếu thỏa mãn một trong các trường hợp sau:

- Tài sản trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.

- Tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp: (i) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (ii) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (iii) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Nhìn chung, Tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi về một số dấu hiệu định tội và định khung hình phạt. Cụ thể:

- Về dấu hiệu định tội, theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong ba trường hợp: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tuy nhiên, quy định này trong Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi. Theo đó, chỉ duy nhất dấu hiệu “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm” được giữ lại. Đối với dấu hiệu “Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” được thay đổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015 bằng cách nhà làm luật liệt kê các điều luật quy định về các tội phạm bị coi là có án tích. Nhìn chung những điều luật được liệt kê tại điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng là những điều luật quy định về các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt nhưng được bổ sung thêm một tội danh khác không nằm trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu như Điều 290 quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bởi án tích về tội phạm này cũng được xem xét là một trong các dấu hiệu định tội đối với hành vi trộm cắp tài sản, đó là

Dấu hiệu “Gây hậu quả nghiêm trọng” được thay thế bằng dấu hiệu “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Bên cạnh đó, nhà làm luật còn bổ sung thêm một trường hợp cũng bị xác định là tội phạm đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, đó là “Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”.

- Yếu tối lỗi:lỗi của người phạm tội trộm cắp tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tình trạng sở hữu của tài sản, biết được tài sản họ chiếm đoạt là của người khác và mong muốn chiếm đoạt được tài sản đó.

2. Hình phạt

So với quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, hình phạt quy định trong Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có nhiều thay đổi ngoài việc bỏ hình phạt tù chung thân tại khoản 4 của điều luật. Theo đó, Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 4 khung hình phạt.

- Khung cơ bản quy định mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khung tăng nặng thứ 2 có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

- Khung tăng nặng thứ 3 có mức phạt tù từ 12 năm đến 20. Hình phạt bổ sung cho tội này là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

Về dấu hiệu định khung hình phạt, nhìn chung những dấu hiệu định khung hình phạt đối với Tội trộm cắp tài sản nói riêng và các tội xâm phạm sở hữu nói chung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 không có nhiều thay đổi so với các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, trong các khoản 2, 3 và 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, nhà làm luật bổ sung thêm trường hợp chiếm đoạt tài sản thỏa mãn dấu hiệu định khung về trị giá tài sản quy định tại khung hình phạt liền kề nhẹ hơn những thỏa mãn một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều luật đó là: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Bên cạnh đó, khoản 3 và khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 được bổ sung thêm tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” và “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp".


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:

  1. Địa chỉ: TầngTầng 4, Tòa nhà Times, 35 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Chi nhánh tây Hà Nội, tầng 6, tòa nhà 169, 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội
  3. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  4. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
  5. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected]