Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tội phạm trong bộ luật hình sự khác với các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có 4 dấu hiệu để phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác như vi phạm dân sự, vi phạm hành chính.
Khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là "Bộ luật Hình sự năm 2015") như sau:
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Phân tích khái niệm tội phạm
Thứ nhất, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội
Có thể nói đây là dấu hiệu quan trọng nhất của tội phạm. Bởi vì tội phạm trước hết phải là hành vi, không có hành vi thì không có tội phạm. Đối với luật hình sự Việt Nam không truy cứu trách nhiệm đối với những âm mưu, ý nghĩ, dự định chưa được thể hiện ra thế giới bên ngoài bằng hành vi.Đồng thời tội phạm phải là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội thể hiện ở mặt đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho xã hội.Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về vật chất, tinh thần, thể chất hoặc những thiệt hại khác mà hành vi gây ra cho xã hội.
Thứ hai, hành vi của tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện
Đây cũng là một dấu hiệu quan trọng của tội phạm. Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình.Một hành vi được coi là tội phạm khi hành vi đó do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện và đạt độ tuổi nhất định do luật định. Như vậy người thực hiện hành vi dù có nguy hiểm đáng kể cho xã hội nhưng không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện Như người bị tâm thần hoặc mất khả năng nhận thức thì không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, hành vi của tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự có nghĩa là tội phạm phải được quy định trong Bộ luật hình sự.
Đây còn được gọi là dấu hiệu hình thức của tội phạm. Theo quy định tại điều 2 Bộ luật Hình sựnăm 2015 thì chỉ người nào phạm một tội đã được bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này nhằm bảo đảm cho đường lối đấu tranh phòng chống tội phạm được thống nhất, bảo đảm cho quyền chính đáng của công dân tránh sự tùy tiện nghi phạm từ các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư, tội phạm phải chịu hình phạt.
Bất kỳ một hành vi phạm tội nào cũng bị áp dụng một hình phạt đã được quy định trong Bộ luật hình sự.
Một người thực hiện các hành vi có đủ 4 dấu hiệu trên thì được coi là tội phạm.
Phạm vi hành nghề của luật sư trong lĩnh vực hình sự:
(i) Dịch vụ tranh tụng: Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo) và người bị tố giác (tố cáo); người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp;
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
(ii) Tư vấn pháp luật: Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng trong lĩnh vực hình sự.Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực pháp lý có liên quan đến lĩnh vực hình sự: hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, tài chính, kế toán… và nhiều lĩnh vực khác.
(iii) Đại diện theo ủy quyền: Trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể đại diện cho khách hàng ngoài tố tụng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
(iv) Dịch vụ pháp lý khác: Liên quan tới lĩnh vực hình sự, luật sư giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc về thủ tục hành chính, tư pháp; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch; giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định.
Bài viết thực hiện bởi: luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:[email protected],[email protected].
Bình luận