Phòng xử án là nơi tổ chức xét xử các vụ án về hình sự, hành chính,... vì vậy phòng xử án phải là nơi trang nghiêm và cũng phải được bố trí theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực pháp lý từ ngày 01/01/2018)
Căn cứ vào điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về phòng xử án như sau:
“1. Phòng xử án phải được bổ trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tổ và luật sư, người bào chừa khác.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.”
Theo điều 2 thông tư số 01/2017-TT-TANDTC quy định về phòng xử án như sau:
“1. Phòng xử án là không gian tổ chức xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án.
2. Phòng xử án bao gồm phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm; phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm.
3. Phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm bao gồm:
a) Phòng xử án hình sự;
b) Phòng xử án hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
c) Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.”
Nguyên tắc bố trí phòng xử án
Phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa.
Việc bố trí phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án.
Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi
Cách bố trí phòng xử án
Đây là một điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có quy định riêng về phòng xứ án. Theo đó, phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác.
Điều luật cũng giao cho Chánh án TANDTC quy định cụ thể về phòng xử án theo tinh thần trên. Hiện nay luật đã quy định chỉ có tòa án là cơ quan xét xử, do vậy vai trò điều khiển phiên tòa của Hội đồng xét xử là lớn nhất. Việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định mới về phòng xử án là rất phù hợp, rất đáng ghi nhận để đưa hoạt động xét xừ đến xu hướng bình đẳng và tôn trọng lần nhau giữa các bên buộc tội - gỡ tội.
Đây không chỉ là vấn đề thay đổi vị trí ngồi một cách cơ học mà phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo (khoản 5 Điều 103) cũng như chủ trương cải cách tư pháp của Đảng thể hiện trong Nghị quyết số 08 ngày 2/1/2002, Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005.
Thẩm quyền thiết kế phòng xử án
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định theo hướng mở, giao cho Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể. Như vậy, việc thiết kế phòng xử án, thiết lập vị trí chỗ ngồi thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trên nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và người bào chữa.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected].
Bình luận